Tumgik
nguyenduy-me · 2 years
Photo
Tumblr media
Câu chuyện 1 ---------------------------------------------------------------------- (Bài viết được lấy cảm hứng từ cuộc trò chuyện. Tên nhân vật đã được thay đổi) Ảnh: Tri Thien (Humans of Film) Trâm (21 tuổi) Tôi chẳng biết ông nội tôi làm chức chủ tịch phường từ bao giờ. Chỉ nhớ rõ những tấm hình trắng đen cũ mèm cùng những tấm bằng khen đã bạc màu được lòng trong khung kính một cách trịnh trọng treo trên tường phòng khách. Ông đã từng là người có uy quyền, tiếng ông nói vẫn còn phảng phất quyền lực xưa. Ông là những gì còn sót lại của lịch sử. Ông là một người chung thành với lề lối, không hề thay đổi, ông luôn khước từ những thứ kỳ lạ, cái di chứng mà ông cho là thứ văn hóa “lai căng” của thời nay. Lúc giận dữ, ông hùng hổ, mắt ông hằn lên những tia máu. Không ai trong gia đình dám cãi ông lời nào. Nhưng tận sâu ánh mắt ông lại toát lên nổi buồn. Sắp cuối đời, ông chủ tịch phường buồn vì cái căn bệnh tiểu đường với đôi cẳng chân gầy gò yếu ớt như cành cây khô vào cuối thu. Chúng hành hạ không thể khiến ông đi đâu xa, ông chủ tịch phường nằm bất động trên giường, chỉ còn trông cậy vào người thân săn sóc. Đêm nào ông cũng bị thức giấc vì cái chứng tiểu đêm hành hạ, tiếng dép của ông lếch dưới nền nhà trong đêm, rồi ngừng lại. Hẳn ông đang ngước lên kiểm tra xem đứa cháu gái của mình ngủ hay chưa. Nếu nó chưa ngủ, ông sẽ nói vọng lên với vẻ bực bội “ đã 12 giờ rồi! thức làm cái gì!”. Một năm ông phải vào viện chừng ba đến bốn lần. Mỗi lần phải mất vài tuần mới xuất viện. Mà sao chẳng có bạn bè ông đến thăm nhỉ?, trong không gian ảm đạm của phòng bệnh chỉ thấy mình ông nằm trơ trọi một mình với dây thở, dịch truyền. Những lần đến thăm, ông khe khẽ hé mắt nhìn. Không còn là đôi mắt đỏ ngầu, hằn lên những tia máu, đôi mắt của ông khi đó ươn ướt, nhỏ bé như loài hươu hiền lành. Chúng gợi cho tôi nhớ những ngày rất xa, ông đã bế tôi trên đôi tay gầy guộc, những gì tôi còn nhớ lại chính là ánh mắt hiền lành đó khi ông nhìn tôi cưng nựng. Nhìn vào đôi mắt ấy, tôi muốn che chở cho ông biết bao nhiêu. Ông chủ tịch phường, dẫu từ bao giờ mà sao trong ông lại chất chứa quá nhiều sự giận dữ. Những cơn thịnh nộ của ông bùng nổ trên chiếc giường trong góc phòng âm u. Liệu sự chua chát này có đến từ những tổn thương xa xăm của ông ? Bà cố nội của tôi mất khi ông còn rất bé, hẳn là trong trái tim nhỏ bé của ông ngày ấy đã hằn sâu dấu ấn của mất mát, và ông đã mang theo nỗi đau đầu đời qua những cuộc chiến, qua đời ba tôi và cả đời tôi nữa. Những cơn giận tăm tối đã dần dần hủy hoại ông, hủy hoại luôn cả ba tôi. Đã bao nhiêu lần tôi chứng kiến ông mắng nhiếc ba là thằng mất dạy, là đứa không làm được tích sự gì cho đời, là đứa trẻ không bao giờ lớn nổi. Ba đã nổi loạn suốt thời niên thiếu vì chưa bao giờ ba được công nhận, được lắng nghe và thấu hiểu. Ông chủ tịch phường đã gieo những hạt giống tính cách của ông vào ba tôi, để rồi khi những hạt giống ấy lớn lên, ba trở thành ông, chỉ có điều những cơn giận dữ trong ba thì nhân lên gấp bội. Ba sợ bị coi là ít học, là kém hiểu biết. Ba chạy theo hào nhoáng vật chất, mong cầu được ghi nhận, chú ý. Đau đớn làm sao khi chính tôi cũng đang mang trong mình hạt giống giận giữ từ ông, từ ba tôi. Tôi vẫn nhớ những lần tôi hét vào mặt ba và ông khi họ cãi nhau, “mấy người có dừng lại không? Mấy ông muốn tôi chết à?!”. Nhớ lần tôi hung dữ đập bể chiếc điện thoại. Tôi nhớ cảm giác căm ghét ba mẹ tột độ khi mẹ đọc tin nhắn của tôi và nói “tao đẻ ra mày tao có quyền tao đọc” còn ba thì quát “ học thì không học! tao cho mày ăn học. Chứ không phải để mày chát chít, đú đởn.” Cuộc đời tôi cũng buồn. Ba mẹ ở quê đang nghĩ rằng ở Sài Gòn ngày ngày tôi chăm chỉ lên lớp và vẫn tấn tới trên con đường bằng cấp mà họ vạch ra. Thực tế, tôi lủi thủi tới tham vấn tâm lý, lủi thủi mua thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Tôi bị trầm cảm, đã bị từ lớp Mười một mà chưa bao giờ ba mẹ thừa nhận nó tồn tại. Họ cho rằng vấn đề là tôi dán mặt vào cái điện thoại quá nhiều và không chịu ra ngoài vận động, ở buổi tham vấn gần đây, tôi vẽ một đứa trẻ đang đứng dưới một đám mây lớn u ám. Vẫn đang lớn, như một cái cây. Tôi viết về bản thân vậy hồi tròn mười tám tuổi. Nhưng tôi là một cái cây thiếu nắng. Giá mà tôi có thể đẩy được đám mây đi để mặt trời tỏa sáng. Dịp Tết tôi về thăm gia đình và kể về bệnh của mình. Ba xua tay, bảo, nói vậy người ta biết thì sau này không xin được việc đâu. Ông nói tôi “ưng” bị bệnh để không phải cố gắng. Mẹ nói “không chịu giao du tiếp xúc với ai thì bị trầm cảm chớ gì.” Bà nói “ông bà khỏe mạnh, ba mẹ khỏe mạnh, vẫn gửi tiền đầy đủ, sao bị trầm cảm được.” Bà nói đi nói lại. Ông quát bà im đi, “đời nó thì nó tự chịu.” Tôi nói tôi mệt mỏi lắm rồi, tôi muốn bảo lưu, về nhà chữa bệnh. Ba nói “Mệt với mày, cuối năm rồi còn không được yên.” Mẹ nói mẹ cả ngày phải quanh quẩn bếp núc, tôi sướng vậy mà không biết đường sướng. Dì Lan bảo tôi không biết thương ba mẹ. Bác Hương bảo là không có bằng đại học thì sau không lấy được chồng. Mấy hôm sau ông nội gọi tôi vào, nói tôi học ngành nào cũng được, nhưng cần có cái bằng, ông sẽ ráng sống tới lúc tôi tốt nghiệp, ông không còn nhiều thời gian, ông không thể chờ tới lúc thằng em tôi có bằng, chỉ chờ được tôi thôi. Tôi thấy ghét mọi thứ, ghét cả bản thân mình. Chắc tôi sắp phát điên rồi. Một cảm giác tức giận vô cớ bủa vây tôi. Giá mà người thân của tôi có thể ôm tôi và nói, “Trâm ơi, con đã mệt nhiều rồi, ông, bà, ba, mẹ ở đây với con. Con hãy nghỉ ngơi, bây giờ không điều gì quan trọng đối với chúng ta bằng sức khỏe của con, chúng ta hiểu con đã không hạnh phúc, chúng ta rất xin lỗi con vì điều đó.” Có những khoảnh khắc tôi cảm thấy may mắn vì được sinh ra trên cuộc đời này.Đó là khi tôi thấy ánh nắng sớm chiếu vào khuôn mặt hiền từ của Đức Mẹ trước nhà thờ gần nơi tôi trọ. Nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng từng hồi vào buổi chiều tà. Khi tôi rảo bước một mình quanh Dinh Độc Lập, thật chậm. Khi tôi đọc sách, thu mình một góc trong thế giới nội tâm với những ngôn từ vỗ về nổi buồn chán trong tôi. Những khoảnh khắc may mắn ấy thật ít ỏi. Còn lúc này tôi chỉ thấy mình như kẻ lữ hành trên con đường tăm tối mịt mù. Chỉ mong mỏi ánh đèn xa xăm của một chuyến xe nào đó đến đón tôi về.
NguyenDuy
1 note · View note
nguyenduy-me · 4 years
Text
Tản mạn 1
Kể từ hôm tết tôi mới nắm rõ tình hình thời sự về diễn biến của dịch bệnh covid-19. Nhưng ai ngờ được dịch bệnh càng lúc càng phát tán rộng và số thương vong lên đến hàng ngàn. Có hàng ngàn ca nhiễm có hàng ngàn ca tử vong và có cả hàng ngàn người phải sa cơ thất thế, mất việc làm, cuộc sống lênh đênh bảy nổi ba chìm, kinh tế thì lao xao điêu đứng. Các trung tâm thương mại sầm uất, các quán xá , khách sạn, du lịch, nơi thờ phượng của các tôn giáo,... đều trong giai đoạn tê liệt khi có lệnh giãn cách xã hội. Tính đến nay (tháng 6) dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm nhưng cũng đáng mừng là chúng ta đã kiểm soát được cơn đại dịch và trên những số liệu thống kê quốc tế thì tỉ lệ phát sinh ca bệnh mới cũng chỉ lác đác vài dăm ba ca. Các chuyên gia vẫn còn miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm các loại vacxin và có thể sang năm thì mới công bố vacxin điều trị trên người. Thêm vào đó, các sự kiện chính trị bùng phát điển hình là các vấn đề kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc,gần đây nhất là sự kiện biểu tình cho George Floyd một gã da đen bị tên cảnh sát quật ngã xuống đất và siết chặt cỗ mặt kệ anh ta nói: " I can't Breath" và cuối cùng dẫn đến một cuộc biểu tình nghiêm trọng sau cái chết của gã Floyd. Và một số các vấn đề khí hậu thiên tai như cháy rừng ở úc, nạn châu chấu ở châu phi,....Quả thật một năm đầy nhiều biến động, một năm để con người nhìn lại chính mình, một năm để chúng ta lắng nghe Thượng đế đang muốn nói điều gì đó với con người !!? # Nguyễn Duy
4 notes · View notes