Tumgik
chandoannghiem · 7 days
Text
Mỗi giây phút trôi qua đều là cơ hội
Hỏi: Con kính thưa Sư cô,
Con xin được chia sẻ và tham vấn Sư cô về cách thực tập để con có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trong chính con lúc này ạ.
Trước đây con có từng được chia sẻ với Sư cô về tâm nguyện xuất gia của con qua email và con đã lấy hết can đảm để dám bước ra ngoài vùng an toàn, bỏ công việc ổn định, cuộc sống thoải mái để đi về chùa tập sự xuất gia. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian được làm tập sự to be con tự nhận thấy con chưa thực sự phù hợp với con đường này như con nghĩ nên con đã xin trở về lại với đời sống cư sĩ. Thời gian ở chùa con đã học hỏi được rất nhiều điều mới, con có thể tự làm việc nhà, xuống phụ bếp, yêu thương quan tâm đến người thương xung quanh con,...con có được nhiều lắm trong 2 tháng tập sự to be và con thấy rất trân quý, biết ơn khoảng thời gian cùng cơ hội này. Con đã trưởng thành hơn hẳn luôn ạ.
Tuy nhiên, khi con về lại đời con được gia đình yểm trợ cho phép con ở nhà nghỉ ngơi chưa cần đi làm việc lại ngay, được đi du lịch cùng gia đình, được đăng ký học hỏi thêm một số khoá học để bổ sung kiến thức cho ngành học con yêu thích (con học về hành chính văn phòng). Dù vậy nhưng con thấy con vẫn có nhiều thời gian trống và con thấy trong con có sự trống rỗng, buồn chán, con nhớ công việc cũ của con. Con có tham khảo thông tin tuyển dụng nhưng con chưa thấy có cái nào phù hợp, và vấn đề của con xuất phát từ đây, con sợ hãi và lo lắng nhiều lắm vì con sợ sau vài tháng nghỉ ngơi này con vẫn không tìm được công việc... Con chưa biết phải làm sao để dừng lại tâm trạng lo âu và trống trải mỗi ngày như vậy, con xin Sư cô từ bi hoan hỷ chia sẻ cho con cách để con thực tập ạ.
Con biết ơn Sư cô ạ.
Đáp: Đọc thư em, sư cô nghĩ không phải em không tìm được công việc nhưng em đang chờ đợi công việc phù hợp tìm đến em. Sẽ không có một công việc phù hợp nào cho ai cả mà là tất cả mọi người có khả năng tự biến công việc đó thành phù hợp với mình hay không mà thôi. Do đó, thay vì để thời gian đi qua một cách uổng phí và sống lo âu mỗi ngày, sao em không thử tìm đến một công việc và tìm hiểu thêm về công việc ấy. Biết đâu công việc này lúc đầu tưởng chừng không phù hợp với mình lại phù hợp thì sao? Nếu như sau một hai năm làm việc, mình đã cố gắng nhưng vẫn không làm sao thích nghi được với môi trường mới và công việc mới này thì mình xin nghỉ rồi tính tiếp. Em phải chủ động cho cuộc đời mình chứ không nên bị động chờ cơ hội tới. Em nên nhớ kỹ, dòng chảy thời gian là vô tận nhưng ở bất cứ thời điểm nào nó vẫn luôn là điểm khởi đầu cho một cơ hội đối với những ai biết nắm lấy, chứ đừng biến nó thành điểm chấm hết. Chọn lựa cuộc sống của mình sau này như thế nào rất tuỳ thuộc vào sự mạnh mẽ và kiên định của em.
Hãy tận dụng sự thông minh mà mình sở hữu để thay đổi đời sống của mình sao cho tốt hơn, vui vẻ hơn mỗi ngày. Em rất may mắn có gia đình yểm trợ, yêu thương. Em cũng có thể san sẻ tâm sự của mình để được lắng nghe ý kiến của mọi người trong nhà rồi sau đó tự tìm cho mình câu giải đáp. 
Em hãy dành một chút thời gian riêng cho mình, ngồi thật yên, thật an tĩnh và nhắm mắt lại nghĩ tới một tương lai mà em mong muốn. Sau đó, lấy giấy viết ghi lại tất cả những gì mà bản thân có khả năng làm được và có thể thực hiện để có được một tương lai đã được vạch sẵn. Có câu “không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, vậy nên hãy xem em có “chịu khó” hay không mà thôi. Những người thành công hầu hết đều phải trải qua gian nan cực khổ là nhờ ý chí kiên định, không lùi bước trước thất bại, họ mới đi đến thành công. Những người đó không phải ai khi sinh ra cũng ngậm thìa vàng, họ cũng không phải là những thần đồng từ thuở bé, họ đều là những con người bình thường nhưng họ biết nắm lấy cơ hội cho bản thân. Họ là những con người không bao giờ phí phạm thời gian. Mỗi giây phút trôi qua đều là cơ hội. Do đó, không sớm thì muộn cơ hội cũng chín mùi và họ thành công. Vì vậy, em chỉ cần lấy lại niềm tin vào bản thân, đừng để mỗi giây phút đi qua một cách uổng phí. Mạnh mẽ, kiên cường và bền chí em nhé. Chúc em thành công trong cuộc sống.
0 notes
chandoannghiem · 1 month
Text
Giải bói Kiều đầu năm 2024
Hỏi: Con có nhân duyên tin sâu vào giáo pháp của Chư Phật và các Chư Tổ đến nay đã được gần 5 năm. Con nhận thức rõ chỉ có nương theo giáo pháp của các Ngài thì mới thoát khỏi khổ đau, trầm luân nên lúc nào con cũng cầu mong nhận được sự gia hộ của ơn trên cho con gặp được thầy hiền bạn tốt để nương theo tu tập tạo sức mạnh nội tâm và chỗ dựa tinh thần vững bền. Năm nay con nhận được quẻ xăm như sau:
“Trong cơ thanh khí tương tầm
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân”
Con xin Sư Cô cho con được hiểu rõ về ý nghĩa của câu này ạ.
Giải:
Trong cơ thanh khí tương tầm: đồng thanh thì tương ứng, đồng khí thì tương cầu. Có tâm tu học sẽ gặp được những người có cùng cái tâm đó
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân: hành vi cử chỉ và lời ăn tiếng nói là biểu hiện của tâm
Đồng thanh đồng khí tương tầm nghĩa là những người có cùng sở thích, cùng chí nguyện thường tìm đến nhau, vì vậy chỉ cần tâm tu học và tâm muốn thân cận các bậc thiện tri thức của em còn thì cơ duyên gặp được các vị là chắc chắn. 
Chỉ cần có tu em sẽ nhận ra được những người có tu có học bởi vì tâm là chủ của thân và khẩu. Hành vi cử chỉ và lối nói năng của một người là biểu hiện cho những gì chất chứa ở trong lòng. Cho nên muốn gặp thầy hiền bạn tốt em chỉ cần quan sát cách biểu hiện của họ qua giao tiếp, hành xử và nói năng. Người thầy hiền bạn tốt sẽ luôn giúp mình biết tự đứng vững trên đôi chân mình, giúp mình tìm được khung trời tự do trong lòng mà sống an nhiên tự tại, thoát khỏi mọi trói buộc của cuộc đời.
Tóm lại, quẻ này nói em chỉ cần giữ được tâm tu học của mình thì thầy hiền bạn tốt có thể đang ở gần em, chỉ là em phải biết nhìn người để chọn cho đúng thầy mà học và chơi đúng bạn để được nuôi dưỡng trên con đường tu của em.
------------------------------------------------------------------------------
Hỏi: Con xin tham vấn về vấn đề công việc. Bói Kiều - Quẻ 44
Quẻ 44: Khi hương sớm khi trà trưa
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng
Giải: 
Khi hương sớm khi trà trưa: có thời gian thảnh thơi,  thong dong, không lo lắng
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng: cuộc sống đơn giản, đạm bạc nhưng có nhiều tự do, nhiều không gian, thân tâm nhẹ nhàng
Không biết em làm công việc gì, nhưng theo hai câu của quẻ này, công việc của em không quá áp lực và em chỉ cần biết cách sắp xếp có khoa học thì em sẽ có nhiều thời gian thảnh thơi, thoải mái, giúp em cân bằng cuộc sống và tâm nhẹ nhàng hơn.
Hỏi: "Gác kinh viện sách đôi nơi (1937)
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng (2686). 
Con đang cầu mong duyên phận cùng con cái."
Đáp: 
Gác kinh viện sách đôi nơi: Có khoảng cách giữa hai nơi (gác kinh và viện sách) cũng là nói hai người xa cách (Thúc Sinh và Thuý Kiều). Ý nói tình duyên có chút lận đận nên có khoảng cách (vật lý hoặc tâm lý) giữa hai người
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng: Biết cân nhắc, có sự cẩn trọng. Ý nói phải hiểu biết người mình thương đủ để không làm tổn thương cho người đó.
Theo quẻ này, có thể hai em gặp khó khăn trong vấn đề truyền thông (theo câu 2 của quẻ) với nhau. Để có thể truyền thông được với nhau, cần phải biết lắng nghe nhau để hiểu nhau đủ thì tình thương mới nảy mầm xanh tốt được. Trước khi muốn nói điều gì thì phải biết cân nhắc, phải biết lời mình nói ra có tác động gì đến hạnh phúc của cả hai rồi mới quyết định là nên nói hay không nên nói, bởi lời nói có thể đem đến hạnh phúc hay khổ đau. Hai người có truyền thông tốt với nhau thì hạnh phúc sẽ được nuôi lớn, và những đứa trẻ được sinh ra cũng được nuôi lớn trong tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng nếu cả hai thiếu truyền thông, thiếu sự thông hiểu lẫn nhau, thì hạnh phúc sẽ không có mặt, và như vậy dù có những đứa con thì chúng sẽ không lớn lên trong mái ấm hạnh phúc của gia đình thì những đứa trẻ đó sẽ ra sao? Vậy nên, theo quẻ này, tình cảm của hai em cần được hàn gắn bằng sự thực tập ái ngữ và lắng nghe. Khi hạnh phúc có mặt thì mới nên nghĩ tới có con cái. 
Hỏi: Con thưa Sư mẹ,
Trong năm mới, điều đi lên lớn nhất trong con là nuôi dưỡng chữ ĐẠI DŨNG, vì con hiểu rất rõ trên con đường tu học, tập khí, thói quen còn kéo con trở lại rất nhiều, tưởng chừng buông được chút chút nhưng con nhận ra mình còn ôm vào rất nhiều. Một năm mới con phát nguyện nuôi lớn dũng mạnh bỏ những thói quen, tập khí cũ sâu dày, con phát khởi nương tựa cùng mọi người thực tập Thiên uy nghi, nương theo 4 bài giảng của Sư mẹ trong Khoá xuất gia gieo duyên tại Đức và cuốn Bước tới thảnh thơi ạ. Dù chính bản thân con nhận thấy mình còn nhiều yếu kém nhưng với sự nương tựa vào lời dạy của Sư mẹ, cùng tăng thân cùng nhau thực tập, nương tựa vào nhau, thì sẽ vững tin từng bước trên con đường tu học ạ. 
Con có xin cụ Nguyễn Du một quẻ kiều cho phát nguyện này của con. Con xin Sư mẹ cho con lời dặn do cho năm tu học 2024 ạ.
Quẻ kiều con bốc được là quẻ số 10 ạ
10- Thương sao cho vẹn thì thương (1359) Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên (1932) 
Con kính biết ơn Sư mẹ ạ
Đáp:
Thương sao cho vẹn thì thương: chìa khoá của câu này nằm ở chữ ‘vẹn’, trọn vẹn mà không có nửa vời. Hiện pháp lạc trú là sự thực tập vẹn toàn nhất cho chữ ‘vẹn’. Hiện pháp là những gì xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, lạc trú là an trú hạnh phúc. Hiện pháp lạc trú là an trú hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi bước chân đi, em cũng hạnh phúc; mỗi hơi thở, em cũng hạnh phúc; nấu cơm, rửa chén, làm việc… em đều có hạnh phúc. Bởi em thực sự sống và có mặt cho cuộc sống trong mỗi giây phút.
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên: có củi mới có lửa, còn dính tới trần duyên thì lửa lòng khó tắt. Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không.
Điều em nói tới là tập khí, một dạng lửa lòng, khiến mình dễ đánh mất uy nghi. Ví dụ, vì muốn nhanh cho xong việc, người ta có thể đánh mất sự thảnh thơi cần có; vì muốn có thời gian sau này, người ta có thể đánh mất mình trong giây phút hiện tại; vì tập khí cho nên đánh mất uy nghi. Cái này có vì cái kia có. Cái gì cũng có nhân quả hết. 
Qua hai câu của quẻ này, em cần thực tập ‘hiện pháp lạc trú’ để lan toả cuộc sống đúng chánh pháp, có như vậy thì tập khí cũ sẽ dần được chuyển hoá và uy nghi của em cũng tự nhiên sẽ đẹp.
Hỏi: Con đang tu học ở một môi trường phụng sự có nhiều nhân duyên thuận lợi, làm thế nào để con chuyển hóa rốt ráo những khó khăn của bản thân, mở lòng từ gắn kết yêu thương nhiều huynh đệ hơn. Từ đó, con có thể giúp đỡ Thầy con và những người còn nhiều khổ đau được tốt hơn?
Quẻ con bốc online là:
190: Khi ăn ở, lúc ra vào (2845)
 Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình! (3016)
Con biết ơn Sư cô nhiều lắm ạ.
Đáp: 
Khi ăn ở, lúc ra vào: nói về sinh hoạt đời sống thường ngày
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình! Câu này nói lên tâm trạng của Kiều khi đoàn tụ cùng gia đình sau 15 năm lưu lạc. Mừng vì không ngờ ước mơ đoàn tụ thành sự thật, tủi vì nhớ lại khoảng thời gian lưu lạc. Niềm vui mừng càng lớn khiến cho sự tủi hờn sống dậy càng mãnh liệt. Ý nói hạnh phúc và khổ đau tương tức, ‘giác ngộ’ được điều này thì tình thương huynh đệ tự gắn kết với nhau, bởi có hiểu mới thật sự thương. Tình thương (từ bi) là hoa trái của hiểu biết (trí tuệ).
Theo quẻ này, em nên tận dụng mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày để hiểu rõ tự thân và huynh đệ khi giao tiếp hoặc tương tác cùng nhau. Chỉ khi tiếp xúc với khổ đau (của tự thân và của người khác) em mới có cơ hội thắp sáng hiểu biết. Hiểu biết một khi có mặt, em sẽ nhận ra khổ đau từ đâu tới và ai đã cho phép khổ đau có mặt. Và nếu em là một người có tu, có học và có hiểu biết sẽ biết cách thương mình, em sẽ không cho phép khổ đau gia tăng và ngăn cản yêu thương bản thân, em sẽ biết sống như thế nào để yêu thương lan toả trong lòng, khiến khổ đau trong bản thân em tự hoá giải, và tất nhiên, nếu yêu thương trong em đủ lớn sẽ lan toả ra ngoài, và những ai tiếp cận sẽ cảm nhận được năng lượng thương yêu đó và họ sẽ dần dần được cảm hoá, như câu thư pháp của Sư Ông Làng Mai “Peace in oneself, Peace in the World” (tâm bình, thế giới bình).
Hỏi: Con kính bạch Sư ông, 
Con kính thưa quý Sư cô,
 Năm ngoái con có một sự thực tập rất kém – là các bữa ăn. Từ nhỏ con ăn ít, ăn uống vốn là một công việc chứ không phải thú vui của con, bây giờ hầu như ăn một mình nên việc chăm lo cho bữa ăn của bản thân càng trở nên chểnh mảng hơn. Bữa chiều vào khoảng 6h, con thường ra ngoài ăn hoặc nhiều khi chỉ uống cốc sữa & ăn thêm chút tinh bột, sau đó quay lại văn phòng làm việc tiếp đến 7.30-8h tối. Buổi trưa con về nhà nghỉ ngơi, ăn cơm đàng hoàng, đây là bữa ăn chất lượng & ngon lành nhất trong ngày, nhưng thời gian không nhiều nên con thường ăn rất nhanh. Con làm việc muộn nên bữa sáng vào lúc 8.30-9h cho dù con dậy từ 6-7h và tập yoga 20-60 phút tùy mùa; con không thấy đói, thường chỉ ăn nhẹ và không thấy ngon miệng. Ưu điểm là con ăn khá đúng bữa và không ăn vặt, nhưng nhược điểm là chỉ cần bận rộn hơn 1 chút là con thiếu năng lượng và mệt mỏi. Ngoài việc ít chăm chút cho bữa ăn, ăn nhanh thì quan trọng hơn cả là không thực sự dừng lại khi ăn, đôi khi ăn mà đầu vẫn nghĩ chuyện công việc. Thiền ăn là một trong những phép thực tập căn bản của Làng, đi khóa tu nào cũng được hướng dẫn, nhưng quả thật ăn ở ngoài đời không dễ dàng như ăn trong khóa tu hay ăn cùng với tăng thân. Ý thức & tự nhắc nhở mình cần ăn trong chánh niệm nhiều khi chưa đủ để giúp mình thực sự ăn. Mà sau nhiều năm thực tập, con nhận ra rằng khả năng dừng lại trong mỗi bữa ăn hàng ngày, trong từng bước chân trên đường chính là khả năng dừng lại trước những sự cố lớn trong đời. Nhưng từ cái hiểu rằng cần phải có chánh niệm, từ sự nhận diện được các tâm hành của mình cho đến sự nhuần nhuyễn trong hành động là cả một khoảng cách lớn. 
Vì thế, năm 2024 con đặt mục tiêu thực tập ăn cho sâu sắc hơn. Đây là lời dạy của cụ Nguyễn Du cho con về mục tiêu này (quẻ số 41):
 Vầng trăng vằng vặc giữa trời (449) 
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra (2656). 
Kính nhờ quý Sư cô hướng dẫn thêm giúp con, con cảm ơn Sư cô. 
Đáp:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời: Vầng trăng sáng tỏ giữa một bầu trời rộng lớn, ý nói em có nhiều tự do trong sự chọn lựa cuộc sống của mình
Cội nguồi cũng ở lòng người mà ra: ý nói gốc của mọi vấn đề xuất phát từ tâm.
Hai câu của quẻ này đều nhắm tới bản thân em mà không phải cuộc sống. Tuy sự thật là tu ở ngoài đời khó hơn khi tu ở trong một môi trường tu học, nhưng nếu bản thân không thật sự có mong muốn một sự thay đổi cho bản thân thì dù người đó ở trong một môi trường nào thì cũng không có gì cũng không ai có thể giúp người đó thay đổi được. Gốc của sự thay đổi phải từ tâm, do đó ý chí bản thân phải kiên cường, dũng mãnh mới có thể có được bầu trời tự do theo ước muốn của mình.
Hỏi: Con kính nhờ Sư cô giải giúp con quẻ Kiều 60:
Những là rày ước mai ao (3069) Dưới dày có đất trên cao có trời (3086)
Con muốn hỏi điều gì quan trọng nhất sẽ đến với con trong năm 2024 ạ.
Đáp:
Những là rày ước mai ao: điều quan trọng nhất sẽ là điều mà em ước ao muốn được thực hiện nhất
Dưới dày có đất trên cao có trời: Trời cao đất dày làm chứng cho bất cứ một lời nói nào đã được nói ra, một hành vi cử chỉ nào đã được làm ra và cả những suy nghĩ thầm kín trong lòng đã từng nghĩ. 
Theo sư cô, quan trọng của quẻ này nằm ở câu hai của quẻ, đó là sự chân thành của em đối với ước mơ của em. Ước mơ có thể trở thành hiện thực nhưng nếu thiếu sự chân thành thì tất cả sẽ trở thành ‘dã tràng xe cát biển đông’. 
 Hỏi: Nam mô Bụt Shakyamuni,
Đầu năm con có xin quẻ Kiều cho con thêm niềm tin và sức mạnh để đi xuất gia cũng như là soi sáng cho con sống làm sao cho gia đình được hòa thuận và bình an hơn thì con được quẻ số 158: Gương trong chẳng chút bụi trần (3173) Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng (3180) Con kính mong được Sư cô giải giúp con ạ! Biết ơn Sư cô.
Đáp:
Gương trong chẳng chút bụi trần: gương trong, sáng nhờ không dính bụi. Cũng vậy, tâm dũng mãnh trên con đường tu học bởi vì chẳng còn dính chút bụi đời
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng: đây là thái độ để tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích đối với người hiểu thấu mình và yểm trợ mình hết lòng
Theo quẻ này, con đường xuất gia rất tốt cho em. Hiện giờ em chưa xuất gia, em hãy tận dụng thời gian còn ở với gia đình để báo hiếu cha mẹ, sống hài hoà với mọi người để tạo thêm thiện nghiệp yểm trợ cho con đường xuất gia sau này của em được nhiều thuận duyên hơn. Khoảng thời gian còn sống ngoài xã hội, em hãy học chăm sóc tâm tu học của mình để có thêm dũng mãnh đi trên con đường đạo em nhé.
Hỏi: Nam mô đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni.
Con kính bạch Sư Ông. Con kính thưa Sư cô. Đầu xuân năm nay, con về Tu viện đón Tết con muốn hỏi cụ Nguyễn Du về ước mong đi xuất gia của mình như thế nào và có bền chặt trên con đường này không? Và con bốc được quẻ Kiều số 176. 176 – Mai cốt cách, tuyết tinh thần (17) Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng (3180) Con mong được Sư Cô giải đáp giúp con ạ. Con kính chúc Sư Cô năm mới nhiều sức khoẻ và thân tâm an lạc.2. Nam mô đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni.
Đáp:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần: vẻ đẹp của tướng mạo có cốt cách như mai và tinh thần trong trắng chẳng khác gì tuyết trắng
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng: đây là thái độ để tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích đối với người hiểu thấu mình và yểm trợ mình hết lòng
Ước mong được xuất gia của em không thành vấn đề. Vấn đề đi trên con đường xuất gia có bền chặt hay không là tuỳ vào em có thể vẫn giữ được ‘mai cốt cách, tuyết tinh thần’ không mà thôi. Đó là uy nghi, đó là giới luật. Cái đẹp của người tu là có uy nghi và giới luật. Phần đông những người rời đời tu là vì vi phạm giới luật. Do đó, sau này mà có được xuất gia, em phải nhớ gìn giữ uy nghi và giới luật của mình thì em không phải sợ là không đi trọn con đường này. Câu hai của quẻ chỉ muốn nói đến lòng biết ơn của em đối với sự yểm trợ của gia đình khi đồng ý cho em xuất gia. Vì vậy, chuyện xuất gia, hy vọng em nên đem ra bàn với gia đình em nhé, chỉ khi có sự đồng ý của gia đình thì em đi tu cũng sẽ vui vẻ hơn.
Hỏi: Cho con hỏi ý nghĩa câu: thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi
Tìm hoa quá bước xem người viết kinh
Đáp: Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi: sau thời gian lênh đênh trên biển, cuối cùng thuyền cũng cặp bến. Cho dù cuộc sống có thế nào thì bến đỗ cũng an toàn, con cũng được nhẹ nhàng
Tìm hoa quá bước xem người viết kinh: Đoạn này nói Thúc Sinh quá nhớ Kiều mà lấy lý do đi tìm hoa để được gặp Kiều. Tình cảm thường là thứ khiến người ta khó kiểm soát được hành vi và tâm tư của mình. 
Qua quẻ này, năm nay có thể con sẽ gặp chuyện có dính tới tình cảm hoặc cảm xúc của con. Hy vọng con có thể học kiểm soát được bản thân để ‘con thuyền tình cảm của con cặp bến an toàn’.
Hỏi: Dạ con chào cô ạ
Con kính nhờ cô giải giúp con câu:
"Kệ kính câu cũ thuộc lòng
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau"
Nghĩa là trong năm nay về công việc của con thì sẽ như thế nào ạ?
Con xin cám ơn ạ!
Đáp: Kệ kinh câu cũ thuộc lòng: ý nói quen thuộc công việc như trở bàn tay
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau: ý nói nhiều thảnh thơi, tự do hơn
Theo quẻ này, công việc không còn làm khó em nữa và em có nhiều thời gian và không gian cho bản thân mình hơn.
Hỏi: Mô Phật con xin kính hỏi sư cô về con đường tu học khi con xin được câu Kiều 76:
Lạ gì thanh khí lẽ thường 
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi
Đáp: Lạ gì thanh khí lẽ thường: không có gì lạ khi mà người hay vật có cùng bản chất (đồng thanh) thì ứng hợp nhau, cùng chí khí (đồng khí) thì thân thiết nhau, và đó là lẽ thường thôi.
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi: Những sai lầm trong quá khứ đã sạch rồi.
Theo quẻ này, em nên biết chọn bạn mà chơi và đừng để những sai lầm cũ lặp lại, có vậy việc tu học của em mới có chuyển hoá tốt. Em phải có ý chí kiên định mới không dễ bị lung lay theo đám đông, để không dấn thân vào những sai lầm cùng đám đông. Chúng sanh còn nhiều tham, sân, si, nên chuyện lay động theo đám đông là lẽ đương nhiên (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu), nhưng đã chọn con đường tu học thì phải có tâm dũng mãnh của bậc đại trí mà cắt đứt mọi liên quan tới những cám dỗ của cuộc đời, như vậy mới đi xa trên con đường thành tựu đạo nghiệp.
Hỏi: A di đà phật,
Thưa thầy hôm nay con có nhận lá xăm quẻ 168 nội dung:
Cho hay giọt nước cành dương,
Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư. 
Mong sư thầy có thể giúp con giải nghĩa của quẻ xăm này. Con xin cám ơn. A di đà phật
Đáp: Cho hay giọt nước cành dương: ý nói tới tình thương có thể hoá giải mọi hiềm khích, thù hận
Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư: Chỉ cần quan sát kỹ sẽ nhận ra đâu là thực, đâu là giả
Quẻ này muốn nói năm nay, con học thương yêu, tha thứ nhiều hơn và nên quan sát kỹ mà đừng vội vàng phản ứng để hiểu rõ vấn đề thực hay giả.
2 notes · View notes
chandoannghiem · 2 months
Text
Sự tôn nghiêm của nơi thờ phụng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài mà còn phụ thuộc rất nhiều bởi tín tâm của người Phật tử
Hỏi: Con kính chào Sư Cô!
Hôm nay, con muốn hỏi về vấn đề niệm Phật, thờ Phật tại gia ạ. Có những người họ có điều kiện thì họ có bàn thờ Phật trang nghiêm ở phòng riêng, thuận tiện cho việc lễ lạy và tu tập. Cũng có những người ở nhà thuê, nhà trọ hay những người có phòng rất nhỏ ,rồi những người mà nơi tiếp khách, ăn uống và ngủ nghỉ cũng chỉ có 1 gian nhà, nơi thờ Phật chỉ có 1 bàn nhỏ ở phía góc nhà, dán tranh Phật, Bồ Tát trên tường,… Một số bạn Phật tử nói rằng : lạy Phật và niệm Phật trong phòng ngủ là bất kính, rồi bàn thờ Phật thấp cũng là bất kính, không có phòng riêng thì không nên thờ Phật, niệm Phật phải ăn chay,... Chúng con nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào để đúng với lời dạy của Bụt ạ? Kính mong Sư Cô giải đáp cho chúng con hiểu ạ. Con cám ơn Sư Cô nhiều ạ !
Đáp: Đúng như em nói, có điều kiện vật chất, tài chính thì có thể trang hoàng bàn thờ một cách trang nghiêm và thanh tịnh. Nhưng nếu không có điều kiện vật chất và tài chính thì vẫn có thể làm bàn thờ theo kiểu "thiếu thốn" tài vật. Bởi vì sự tôn nghiêm của nơi thờ phụng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài mà thôi, nó còn phụ thuộc rất nhiều bởi tín tâm của người Phật tử đối với Tam bảo. Một bàn thờ không nói lên tất cả, bởi Phật biểu hiện khắp mười phương, nơi đâu cũng có Phật. Sự biểu hiện của bậc tôn quý không nên chỉ căn cứ vào một bức tượng bằng đồng, bằng gỗ kể cả bằng vàng đi nữa, mà chính là sự tu tập chánh pháp của người Phật tử. Đức Phật để lại gia tài chánh pháp mà không phải là di ảnh hay tượng đài của Ngài. Nếu tôn kính Ngài, không gì quý bằng gìn giữ chánh pháp và lan tỏa chánh pháp của Ngài qua việc tu tập năm giới hoặc hành thập thiện (đối với người tại gia).
Nhưng có nhiều người vẫn thích có những biểu tượng của sự thờ phụng và một nơi chốn cho sự trở về hay hướng về, cho nên mới có những bức tượng Phật, tranh Phật. Vì là biểu tượng của lòng tôn kính đối với bậc Giác Ngộ, bàn thờ đặt ở đâu đối với trong mắt của người thờ cúng mới là quan trọng, không phụ thuộc vào chiều cao nhất định mới gọi là tôn kính. Nói tới đây, khiến sư cô nhớ tới có những vị đặt bàn thờ cao quá tầm với, tới nỗi phải bắt thang hay bắt ghế để đứng lên mới với tới lư nhang để mà cắm nhang! Có những vị để bàn thờ Phật ở trên cao quá tầm nhìn, nên đôi khi họ cũng quên luôn sự có mặt của một vị Phật ở trên mà đôi co với nhau khi "cơm không lành, canh không ngọt" trước mặt Ngài. Vì vậy, đối với sư cô, khi muốn làm bàn thờ Phật, chúng ta phải tôn trọng sự có mặt của Ngài cho dù đó chỉ là một biểu tượng của Ngài thôi, nghĩa là phụ thuộc rất nhiều vào việc em sống và hành xử thế nào trước bàn thờ Phật. Ví dụ, khi nằm, em không nên hướng chân mình phía bàn thờ; đặt bàn thờ trong phòng ngủ thì không thể có những cử chỉ thân mật với người yêu hoặc không thể thay đồ trong phòng ngủ, v.v... Nếu vì chỉ có một gian phòng thì tốt nhất em nên có tấm màn che lại bàn thờ. Cho dù nói, Phật biểu hiện khắp mười phương, nhưng hướng bàn thờ cũng là tượng trưng cho sự hiện diện của đức Phật, vì vậy chúng ta không thể bất kính với Ngài khi Ngài đang có mặt đó! 
Tóm lại, việc thờ cúng không phụ thuộc quá nhiều vào hình thức bên ngoài, nếu có điều kiện thì làm tốt hơn, nếu không đủ điều kiện thì tối thiểu trong đời sống hàng ngày em phải có sự tôn kính tuyệt đối với vị Phật mà mình đang thờ cúng. Còn việc ăn chay thì không bắt buộc. 
Khi đức Phật còn tại thế, các thầy khi đi khất thực vẫn được phép ăn thịt khi Phật tử cúng dường thực phẩm có thịt. Do đó mà các thầy Nam tông ngày nay vẫn ăn thịt là vậy. Tuy không bị bắt buộc phải ăn chay, nhưng đức Phật cũng dạy các thầy chỉ được ăn thịt nếu miếng thịt đó không bị giết vì mục đích cúng dường cho các thầy, nghĩa là vô tình các thầy đi ngang khu vực này khất thực, người dân đang ăn thịt thì cúng thịt cho các thầy thì được. Nếu như, các thầy biết (qua nghe, thấy hoặc nghi) người Phật tử vì muốn cúng dường mình mà giết một con vật để làm thịt thì thịt này các thầy hoàn toàn bị cấm không được ăn.
Vì vậy, chuyện ăn chay đối với người Phật tử là tự nguyện của họ, đức Phật không hề ngăn cấm họ ăn thịt, nhưng cũng không nên lạm sát để tránh gieo ác nghiệp.
0 notes
chandoannghiem · 3 months
Text
Ăn có niềm vui, chắc chắn sức khoẻ sẽ tốt lên
Hỏi: Con kính chào Sư Cô! 
Sư Cô ơi, con từng ăn chay khoảng 3-4 tháng , sau đó thì sức khoẻ con không tốt và cũng bị xuống cân . Trong quá trình ăn chay đó thì con ăn rau, trứng và ngũ cốc tiện lợi . Vì tình hình sức khoẻ đi xuống nên sau đó con có ăn thịt trở lại nhưng ăn ít ạ .Tuy vậy, thân tâm con vẫn muốn hướng đến cuộc sống ăn chay lành mạnh . Con xin Sư Cô chỉ cho con phương pháp ăn chay phù hợp ạ . Con cám ơn Sư Cô nhiều ạ !
Đáp: Ăn thịt (bao gồm cá và thịt các loại) có nhiều protein và có Omega 3. Để thay thế thịt, con có thể tìm protein trong các thực phẩm như trứng, bông cải xanh, yến mạch hay các loại hạt như hạnh nhân hoặc các loại phô mai như phô mai Cottage; còn Omega 3 thì có nhiều trong hạt cải lanh (Flax seed). Con có thể ăn nhiều loại củ quả nữa chứ không chỉ có rau. Riêng phần ngũ cốc tiện lợi thì con cần phải cẩn thận, bởi ngày nay nhiều người vì làm giàu mà cái gì cũng dám làm, không màng tới sự sống chết của người khác vì vậy mà mới có thịt bẩn, thuốc giả, v.v… Tốt nhất con nên mua riêng từng phần của ngũ cốc rồi tự nấu thành phẩm cho mình dùng thì an toàn hơn con à. Ăn chay, con có thể chế biến đa dạng tuỳ theo các loại thực phẩm chay con có, đừng ăn theo kiểu chay đạm bạc thì sức khoẻ sẽ không tốt là đương nhiên rồi. Ví dụ ăn rau, con không chỉ biết có rau luộc mà có thể thay đổi với ăn rau trộn hay rau làm xà lách (chế biến ăn sống với dầu olive…). Con cũng có thể lên youtube tìm hiểu các món chay mà học nấu ăn cho chính bản thân để thêm niềm cảm hứng trong khi ăn. Ăn có niềm vui, chắc chắn sức khoẻ của con sẽ tốt lên. Ngoài chuyện ăn uống, con cũng cần phải có những hoạt động thân thể như thể dục thể thao, hay những sinh hoạt ngoài trời như đi tản bộ sau khi ăn.  Hơn nữa, con cũng không nên quên bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể nhé (trung bình 1,5 L – 2 L). 
0 notes
chandoannghiem · 3 months
Text
Em chỉ cần định hướng cuộc sống của mình là hạnh phúc, là yêu thương
Hỏi: Con xin phép Sư Cô cho con được hỏi hai câu hỏi
Một là, con có một cô em chồng tính tình khá hiền lành, chỉ có những điểm khác biệt trong tính cách khiến con không thích gần em ấy, dù sống chung một nhà con cũng hạn chế đụng chạm. Con nhận thấy con dễ khó chịu với em ấy, ví dụ con không được vui khi em ấy sử dụng đồ của con. Con biết như vậy là chưa tốt nên con không biểu hiện ra, chỉ quan sát cảm xúc của mình, con nhận thấy tâm nắm bắt, sở hữu "của con" đã làm con không vui, nhưng con lại không hẳn thấy như vậy với người khác, ví dụ cùng một món đồ mà người khác mượn con lại thấy hoan hỷ. Xin sư cô phân tích và chỉ giúp con cách thực tập để con sống vui với em chồng nói riêng và những người con không thích nói chung ạ.
Đáp: Vấn đề quá rõ ràng rồi, chỉ vì em không thích cho nên em mới đẩy người ta ra. Nếu em có thể ngồi xuống nói chuyện đàng hoàng với em chồng em thì có thể khoảng cách tâm lý sẽ gần hơn và em sẽ bớt xa cách em ấy hơn. Mọi vấn đề xuất phát từ tâm mình cả. Một khi tâm mình thay đổi thì vấn đề sẽ thay đổi. Đừng bao giờ tự tin quá với những suy nghĩ của mình để rồi hành động ứng xử theo cách suy nghĩ lệch lạc sẽ chỉ khiến mình khổ càng thêm khổ. Em chỉ cần định hướng cuộc sống của mình là hạnh phúc, là yêu thương và cứ đi theo chiều hướng đó và buông bỏ những chướng ngại tâm lý từng chút một để có thể sống hạnh phúc và yêu thương cho bản thân và cho gia đình. Không có trở ngại nào mà mình không thể vượt qua được, chỉ là chưa quen hay chưa từng nghĩ tới, làm tới cho nên trông có vẻ khó làm, chứ thật sự không có gì là khó làm cả. Em hãy thử cố gắng ngồi nói chuyện với em chồng em nhiều hơn xem, em sẽ phát giác ra em chồng em sẽ không khó gần như em nghĩ. 
Hai là, con đã đọc lui tới cuốn sách "Sự vận hành của tâm" của sư cô, con rất thích và luôn mang theo bên mình để đọc lại những chỗ con chưa hiểu. Nhưng con thấy ở vài bài tụng, sư cô có đề xuất bài tập đi kèm, ví dụ tập nhìn mọi thứ với cái nhìn y tha khởi, hoặc quán chiếu tính tương tức tương nhập của vạn pháp,... sư cô có thể chỉ giúp con cách ứng dụng những bài tập đó vào đời sống hằng ngày được không ạ? Ví dụ mình nên dành ra thời gian cố định mỗi ngày để quán chiếu, hay thiết kế mỗi ngày một bài tập như thế nào để việc thực hành được tinh tấn và hiệu quả không ạ? Theo con có một thời khóa mẫu cho bản thân, lặp đi lặp lại sẽ tốt hơn là khi nào nhớ ra mới quán chiếu ạ.
Con cảm ơn sư cô. Con xin tri ân công đức của sư cô ạ.
Đáp: Khi tiếp xúc một người, lắng nghe người đó nói chuyện, quan sát những biểu cảm trên khuôn mặt người đó, trên thân thể người đó, em hãy tìm ra dấu vết cuộc sống của người đó đã trải qua trong đời, như người đó đã lớn lên thế nào, người đó đã từng trải qua những chuyện gì, người đó có môi trường sinh sống và trưởng thành thế nào, v.v… Đó là những ‘y tha khởi’ của một người. Đừng nắm bắt một người ở những thời điểm đặc biệt nào vì đó cũng chỉ là những mốc thời gian đánh dấu cuộc đời họ nhưng không phải là tất cả họ mà chỉ là một phần của họ. Vì vậy muốn hiểu một người, mình không nên chỉ hiểu người đó ở tại thời điểm nào đó mà nên nhìn người đó xuyên suốt quá trình người đó đã sống và đã trải qua trong đời. Em phải luôn mang cái thấy như vậy đi vào cuộc sống. Đó là em thực tập nhìn ‘y tha khởi’ của một người. 
3 notes · View notes
chandoannghiem · 5 months
Text
Hãy giữ lấy sự thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày
Hỏi: Con chào sư cô 🙏
Con đi chùa học Phật nhưng con không hiểu nhiều cho lắm, ngoài việc nhân quả và về Đức Phật. Lần đầu tiên con đi tu học ở Tu viện Bích Nham con rất bỡ ngỡ, chưa mở lòng được với mọi người mà vẫn cảm nhận được sự bình an, an lạc trong cách thực tập của quý thầy quý sư cô. Lần thứ 2,3 con đi lại khóa tu học tại Mộc Lan và Bích Nham, con đã cảm nhận được sự hạnh phúc an lạc sâu sắc nhất trong con từ trước đến nay con chưa từng có. Thế là con đã rơi lệ vì biết mình đã tìm được con đường bấy lâu nay con đã tìm kiếm. Từ đó sự mong muốn đi Tu trong con trỗi dậy 1 cách mãnh liệt. Cũng từ đó con thích xem pháp thoại và thực tập pháp môn của Sư Ông nhiều hơn. Khi con lướt Facebook thấy video quý thầy quý sư cô thiền hành, hay những video Phật tử cạo tóc đi tu tự nhiên tâm con cảm giác rất lạ, đôi mắt của con thì chảy nước mắt, những lúc như thế thì con chỉ muốn lên Tu viện để đi Tu thôi, con không cần gì nữa cả. Ba mẹ con thì không đồng ý cho con đi Tu bây giờ, nên con đã nói với ba mẹ là con sẽ ở với ba mẹ 1 năm nữa rồi con sẽ đi Tu, mẹ con miễn cưỡng tạm thời đồng ý. Con không biết nếu con chờ đợi sau 1 năm như thế thì sự mong muốn đi Tu của con có bị xói mòn không ạ. Trong lúc chờ đợi như thế thì con cần làm gì để tăng trưởng nuôi dưỡng chí nguyện đi Tu 🙏 Và trước khi đi Tu thì mình cần làm gì, và mang theo gì ạ?  
Con xin cảm ơn sư cô đã lắng nghe sự ưu tư của con ạ.
Đáp: Giống như một người trồng cây, muốn cây lớn mạnh thì phải biết thức ăn mà cái cây đó cần, hơn nữa phải có đủ không gian cho cây lớn mạnh và biết cách che chắn cho cây trước giông bão để tránh cây có thể bị tróc gốc rễ, chỉ có như vậy cây mới dần lớn lên, mạnh mẽ, kiên cố. Vì vậy để không bị xói mòn tâm tu học, em phải thường xuyên nên giữ lấy sự thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày dù chỉ có 5, 10 phút. Ngoài ra, em còn phải nên thường xuyên ‘tắm mình’ trong dòng giáo pháp của Bụt trong khi nghe băng, trong khi đọc kinh sách. Ngày nay, có những loại sách nói dành cho những người bận rộn không có thời gian để đọc từng trang sách, em cũng có thể lên mạng tìm kiếm và tải xuống máy để nghe mỗi khi có giờ nghỉ giải lao trong công việc chẳng hạn. Phải ‘ngâm mình’ trong dòng giáo pháp, chẳng những em không bị xói mòn tâm tu học của mình mà còn tăng trưởng chí nguyện tu học của mình nữa. Đó là những gì em cần làm trước khi đi tu. 
Trước khi bước chân vào Làng Mai để được nhận cho xuất gia, em phải viết thư cho các sư cô ở trung tâm địa phương (Mộc Lan, Bích Nham hay Lộc Uyển là 3 trung tâm của Làng Mai tại Mỹ, thì tuỳ em chọn) và bày tỏ ước muốn trở thành một sư cô của em và xin phép được về tu học tại đó. Em cũng nên có một tờ khai báo tình trạng sức khoẻ của em, vì ở trung tâm nào của Làng Mai cũng sẽ đòi hỏi tờ chứng nhận tình trạng sức khoẻ của vị tập sự. Khi được chấp nhận cho về trung tâm địa phương tu học, em chỉ cần chuẩn bị 2 cái áo tràng lam để mặc khi đi thời khoá công phu, mấy bộ đồ vạt hò, màu lam và màu nâu đều được, ít nhất nên có ba bộ đồ (nếu ở nước ngoài) màu nâu để mặc làm việc. Em sẽ học sống với các sư cô trong vài tháng trước khi được hội đồng các sư cô thọ giới Lớn quyết định cho xuất gia hay không. Ở Làng Mai, người được nhận vào xuất gia đều là người phải có khả năng sống hoà hợp với những người khác. Trình độ học vấn tuy cần nhưng không phải là thiết yếu mà chính sự hoà hợp của em với mọi người trong tăng thân sẽ giúp em được sự đồng thuận của các sư cô trong hội đồng tỳ kheo ni để em trở thành một thành viên của chúng xuất sĩ Làng Mai. 
Sư cô hy vọng với những lời chia sẻ này sẽ giúp em chuẩn bị hành trang thật tốt trong thời gian một năm cho đến khi bước vào tu viện Làng Mai, em sẽ có những bước đi thật vững chãi, mạnh mẽ, tự tin. 
4 notes · View notes
chandoannghiem · 6 months
Text
Cần phải học cách tự nhìn lại và chăm sóc bản thân
Hỏi: Con kính chào Sư Cô!
Sư Cô ơi, con và một người bạn cùng làm chung với nhau một công việc và cũng ở cùng chung phòng. Con rất bức xúc với bạn ấy. Bạn ấy luôn thiếu kiên nhẫn làm việc và khi công việc của bạn ấy làm không đạt chất lượng, con có nhắc nhở và chỉ ra vấn đề bạn ấy làm không tốt, vì con luôn muốn khách hàng có thể nhận được chất lượng tốt khi chúng con cung cấp sản phẩm cho họ. Vấn đề là bạn ấy rất im lặng , hay tỏ vẻ khó chịu và không chịu sửa hoặc con nghĩ rằng bạn ấy không thể làm tốt hơn. Số lượng công việc con thì nhiều hơn bạn ấy (bạn ấy khó chịu khi làm thêm giờ và hay càu nhàu khi số lượng công việc tăng), con còn kiêm luôn làm việc nhà, dọn dẹp , nấu ăn… vì bạn ấy không chịu làm việc nhà, cứ ỷ lại ở con, bạn ấy sống khá bừa bộn. Bạn ấy thích ham chơi, hay cáu gắt, tiêu cực. Điều đó khiến con cảm thấy khá stress khi sống và làm việc chung với bạn ấy. Con nên làm gì bây giờ để tình trạng có thể trở nên tốt hơn được ạ? Xin Sư Cô chỉ cho con phương pháp với ạ. Con cảm ơn Sư Cô đã lắng nghe tâm sự của con ạ !
Đáp: Không biết có gì trở ngại cho con không nếu con dọn ra ở riêng? Bởi vì cô thấy đây là cách duy nhất để con có chút thời gian cho riêng bản thân. Bởi ai cũng cần có thời gian và không gian riêng cho mình để ‘sạc pin’ lại. Nếu lúc nào cũng phải tiêu hao năng lượng ra ngoài, không sớm thì muộn con sẽ héo mòn, cạn kiệt cả thân và tâm. Vậy nên con cần phải học cách chăm sóc bản thân nữa. 
Nếu con đã hết lời chia sẻ, đóng góp cả trong công việc lẫn đời sống mà bạn ấy vẫn luôn giữ thái độ thiếu tôn trọng và thiếu cảm thông đối với con, cô nghĩ chỉ có một cách duy nhất là con nên chọn cho mình một nơi ở khác, nhưng đừng cho bạn ấy biết trước khi con tìm ra một chỗ ở mới.
Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cho sự chọn lựa lối sống của bản thân. Mỗi người phải tự nghiệm lấy giới hạn chịu đựng của bản thân mình. Đừng tự ép uổng khi mình không thể gánh vác. Đừng làm anh hùng rơm hay một hiệp sĩ mù! Đôi lúc sự mềm mỏng, nhường nhịn và thiếu quyết đoán của mình chỉ thúc đấy sự tham lam, lười nhát của người khác. Con phải biết học nói ‘không’ khi cần thiết, chứ không thể lúc nào cũng cho qua. Con phải có thái độ rõ ràng và dứt khoát trước cái sai quấy mà không nên tỏ ra thoả hiệp với bạn mỗi khi chuyện cứ lặp đi lặp lại. Con chỉ cần nói lời chính chắn, minh bạch với thái độ hoà nhã chứ đừng tỏ ra giận dữ, bất mãn hay nói những lời nói dễ gây tổn thương. Ngầm ám chỉ cho bạn con biết con sẽ không thể tiếp tục sống như vậy, ngầm cho bạn hiểu là hoặc bạn thay đổi hoặc con sẽ dời đi. 
Là một người tu, tất nhiên cô rất muốn con có thể giúp bạn con, nhưng cô cũng ý thức là mỗi người có một giới hạn chịu đựng nào đó. Ép quá sẽ đến lúc ‘nổ banh xác’ sẽ không còn có thể chắp vá được nữa. Vậy nên, tốt nhất là nên dừng lại ở ngưỡng cửa của ranh giới để rồi tìm cách trở lại mức an toàn trong đời sống tự thân. Thành ra con phải tự nhìn lại bản thân tìm ra lối đi trong cuộc sống để cân bằng đời sống của mình lại. 
Chúc con quán chiếu thành công.
2 notes · View notes
chandoannghiem · 6 months
Text
Gieo nhân lành, làm thiện nghiệp là một cách đầu tư đúng nghĩa cho cuộc sống
Hỏi: Dạ, con kính thưa sư cô.
Con đang có sự bế tắc trong cách hóa giải tính sân hận và ngạo mạn của mình. Con mong sư cô chỉ giáo giúp con tìm ra phương pháp đối trị ạ.
Ngày con còn nhỏ con đã luôn ghen tỵ với 1, 2 người (là chị em họ trong cùng gia đình) vì họ luôn được yêu thương hơn con, mặc dù sau lưng người lớn thì họ lộ mặt thật là rất thích bắt nạt người khác. Giờ lớn lên, con trộm vía may mắn lên, có công việc làm ổn định, lập gia đình và được yêu thương. Còn họ thì chật vật hơn, nhưng bản tính vẫn hung hăng với người khác như cũ. Con cảm thấy hả hê lắm. Con thậm chí còn muốn họ ngày càng đi xuống, và chứng kiến cuộc sống con trở nên tốt đẹp ra sao để họ cảm thấy hối hận. Vậy là con bị sân si (ghen tỵ) và kiêu mạn (ỷ vào cái ngã của mình) rồi, thưa sư cô. Con nên làm như thế nào để mình không bị nó cuốn theo ạ? Cứ mỗi khi rảnh rỗi là con lại tưởng tượng cảnh mình giờ đây đã sống tốt hơn họ nhiều, và cảnh họ hối hận, hoặc cảnh họ không vui vẻ hạng phúc được bằng mình. Con thấy sợ con luôn...
Con cám ơn sư cô.
Đáp: Nếu em là một Phật tử chân chính thì nên biết nghiệp và nhân quả chính là của cải mà mình mang theo cả đời này và nhiều đời sau nữa. Những gì thuộc về thế gian thì vô thường lắm, nay còn mai mất, thiệt hơn không ổn định, yêu ghét khó luận bàn. Nhưng gieo nhân nào thì chắc chắn gặt quả đó, tạo nghiệp thì gánh quả báo. Có người gặp ngay quả báo hiện tiền, có người phải mất nhiều năm mới gặt hái quả báo mà họ đã gieo từ lâu về trước, có khi phải đến kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa mà nghiệp quả vẫn đeo dai dẳng. 
Nếu em tin vào nhân quả, nghiệp báo thì em phải biết suy nghĩ của em cũng là gieo nhân, cũng là tạo nghiệp. Nếu em gieo nhân xấu, tạo nghiệp xấu như suy nghĩ sai lệch kiểu “muốn họ càng ngày càng đi xuống”, “cảm thấy hả hê khi họ chật vật”… thì em sẽ mất dần đi cái phước của kiếp trước mà em đang được hưởng. Cái phước hiện nay của em là gia tài em đã tích góp được của kiếp trước, một khi cái phước đó cạn kiệt mà kiếp này em lại chưa từng gieo nhân lành, tạo nghiệp thiện, thì phước không còn nữa, vậy là em lại một lần nữa rơi vào cảnh khốn đốn do quả báo của kiếp này chín mùi chỉ vì em đã gieo nhân xấu và nghiệp xấu trong những năm tháng sống trong dòng suy nghĩ lệch lạc. 
Đừng có suy nghĩ dại dột như vậy. Gieo nhân lành, làm thiện nghiệp là một cách đầu tư đúng nghĩa cho cuộc sống sung túc của mình cả về vật chất lẫn tâm linh. 
Em đã từng khổ vì người khác hạnh phúc trên khổ đau của mình, sao bây giờ lại học cái thói đó của họ? Em không thấy họ đã sống sai lầm nên bây giờ nhân quả, nghiệp báo của họ hiện tiền sao? Không lẽ, em muốn đi theo vết xe đổ của họ? Người khôn ngoan sẽ không dẫm lên những sai lầm của người khác mà đi đâu em. Em rất dại dột khi cảm thấy “hả hê”, hạnh phúc trên khổ đau của người khác. Sự dại dột này sẽ huỷ hoại phước đức của em đó. Dừng lại lối suy nghĩ đó và sống khiêm tốn hơn nữa em nhé, ngay bây giờ và lúc này. Đừng chậm trễ trong việc sửa sai lỗi lầm của em, kẻo hối hận cũng không còn kịp nữa. Nên thực tập chỉnh đốn lại suy nghĩ của mình mỗi khi rảnh rỗi thay vì lún sâu vào lối suy nghĩ lệch lạc như trước đây. Nhớ, mỗi một dòng suy nghĩ của em là em đang đầu tư cho cuộc sống của em đó. Hãy chọn lựa khôn ngoan cho cuộc đời mình, không chỉ có ở kiếp này mà còn nhiều kiếp về sau nữa.
0 notes
chandoannghiem · 7 months
Text
Có sự bình tĩnh thì chuyện gì cũng có thể giải quyết
Hỏi: Kính thưa Sư Cô,
Đầu tiên con xin kích chúc Sư Cô và các quý cô quý thầy nhiều sức khỏe.
Con có những nút thắt trong mối quan hệ với bố, mong được Sư Cô chỉ dạy. Bố con không yêu mẹ con, điều đó thể hiện rất rõ trong những lần cãi vã, những lời mạt sát bố dành cho mẹ, mặc dù bố chưa một lần động tay động chân với mẹ con. Mẹ con làm dâu, từ ngày con còn bé đã chứng kiến cảnh mẹ bị Bà nội và cô (em của bố) bắt nạt, đặt chuyện không đúng. Nhưng bố con chưa một lần tin và bảo vệ mẹ. Con tự thấy bố là một người bố có trách nhiệm, mặc dù con không cảm nhận được tình yêu của bố (vì bố từ nhỏ cũng hay chửi bới và xúc phạm con) nhưng bố luôn có trách nhiệm trong việc kiếm tiền và tìm kiếm sự giáo dục tốt nhất cho chị em con. 
Ngày bé con rất ghét bố vì có một lần con bắt gặp bố nhắn tin thân mật tục tĩu quá giới hạn với một người nữ, ngay ngày mẹ con đi chùa xa ��� Châu Đốc. Sau ngày đó, con lại vô tình phát hiện thêm bố hay lén mẹ nhắn tin và gửi hình quá giới hạn v.v... con luôn giấu mẹ những điều này vì sợ mẹ đau lòng. Rồi về sau nữa, qua những lời tâm sự của mẹ với bạn mẹ mà con nghe được, bố đã luôn ngoại tình thể xác với một hay nhiều phụ nữ khác nhau. Con đã không muốn biết thêm nữa vì con đã không thể nhìn bố và cảm nhận được sự yêu thương nữa...
Phải rất lâu sau đó, qua sự thực tập nhìn sâu, con mới có thể dần dần nói chuyện nhẹ nhàng với bố lại được. Con vẫn không cảm nhận được sự yêu thương người bố này, mà chỉ biết là người bố này đã hỗ trợ mình rất nhiều tiền và mình sẽ báo đáp lại đúng với trách nhiệm làm con. Nhưng tuần trước mẹ tâm sự với con rằng mẹ phát hiện bố lại ngoại tình là một người bạn học cũ của bố, họ đã gặp gỡ nhau mấy năm rồi, và lần này còn lấy tiền gia đình chu cấp cho con người đó. Bà Nội và cô con không hiểu sao biết những lời mẹ nói, họ bảo mẹ con là hạng con buôn con bán thấp kém không biết điều. Bố con nghe những lời đó cũng không một lời đỡ cho mẹ. Con đau lòng và phẫn uất. Sự căm ghét bố lại quay trở lại. Con thật bất hiếu thưa Sư Cô, con không thể yêu kính bố của con được. Con không thể yêu thương ai làm mẹ con khổ, ngay cả khi là Bà Nội, là ba con. Thưa Sư Cô, con phải làm sao đây ạ?
Con xin cám ơn ạ.
Đáp: Em không phải là bất hiếu, bởi chữ hiếu có nghĩa là phụng dưỡng lại người đã từng nuôi nấng mình. Tâm tư của em hiện đang là một sự căm phẫn đối với lối sống của ba và đối với cách hành xử của bà nội đối với mẹ. 
Cô cũng không hiểu vì sao mẹ em lại ‘cố chấp’ sống với một người đàn ông đã không còn cảm xúc với mình như vậy. Nghe bà nội em khinh rẻ mẹ là một con buôn, nghĩa là mẹ em cũng có khả năng tự lập, vậy vì sao vẫn phải sống cùng một nhà với những người đã không coi mình là người một nhà. Em đã từng nói chuyện với mẹ về những suy nghĩ này chưa? Cô rất muốn biết em có từng tìm hiểu mẹ vì sao lại muốn sống một cuộc sống như vậy? Đứng ở góc độ của em thì ba và bà nội của em rất đáng để buồn giận, nhưng em đã đứng ở góc độ của mẹ em mà suy nghĩ chưa? 
Muốn giúp mẹ, bênh vực mẹ, trước hết em phải là người mạnh mẽ, có khả năng tự sinh tồn, chứ không chỉ biết giận dỗi, trách móc, theo phe mẹ là đủ. Vì sao? Vì nếu không có ai quan tâm, chăm sóc, thương yêu mẹ thì em sẽ là người có thể phụng dưỡng mẹ, bồi đắp những phần thiếu thốn đó. Ngoài ra, muốn giúp mẹ phải hiểu tình cảm của mẹ, tâm tư của mẹ, chứ không chỉ nghe mẹ nói về chuyện ngoại tình của ba là đủ. Bởi vì, biết đâu, sự chịu đựng tủi nhục của mẹ là vì em, vì mẹ em muốn em được nuôi ăn học đường hoàng, nhưng mẹ em lại không có khả năng đó, trừ ba em ra. Nếu em giỏi hơn nữa thì trực tiếp hỏi ba ‘vì sao ba không còn cảm xúc với mẹ lại không ly hôn mẹ để được tự do bay nhảy với tính ong bướm của ba lại phải sống với danh nghĩa người phản bội vợ, kẻ ngoại tình…’ 
Có những người có tính nhu nhược, dù bị đối xử thế nào họ cũng chấp nhận, chính vì tính nhu nhược đó đã đẩy số phận của họ đi vào bế tắc. Vì có những người đàn ông không thích người nhu nhược, họ cảm thấy sống với những người vợ nhu nhược thật nhàm chán, nhạt nhẽo, cho nên họ thích tạo ra những ‘xì-căn-đan’ như ngoại tình, vì chỉ có ngoại tình mới tạo ra sự kích thích, hưng phấn vào trong cuộc sống thiếu thú vị với một người vợ nhu nhược. Họ không ly dị vì vẫn muốn ‘giữ tiếng thơm’ hoặc vì muốn ‘chơi qua ngày’ thôi, dù sao thì người vợ nhu nhược vẫn biết vâng lời hơn và không dám tranh cãi.
Thành ra, em muốn biết mình phải làm gì thì trước hết phải hiểu tường tận, tỏ tường mọi vấn đề của ba mẹ chứ không chỉ căn cứ vào những gì em thấy, nghe ở ngoài. Đừng chỉ thấy chuyện ngoại tình của ba cũng đừng chỉ thấy mẹ bị ức hiếp mà vội lên án hay bày tỏ giận dữ. Phải tìm hiểu rõ vì sao lúc đầu ba cưới mẹ mà bây giờ ba không còn thương mẹ nữa. Phải tìm hiểu rõ mẹ vì sao phải chịu sự khinh rẻ của mọi người như vậy. Và em, em có đủ bình tĩnh, mạnh mẽ để đứng ở vị trí giúp mẹ và lo chu toàn cho mẹ không? Đây là những gợi ý suy nghĩ để em biết nên bước từng bước như thế nào cho đến khi giúp được ba mẹ. Nếu em không đủ bình tỉnh để nói chuyện với ba, để tìm hiểu vì sao ba lại không tôn trọng đối với mẹ thì em phải tu tập sao cho mình có sự bình tỉnh trước ‘tính ong bướm’ của ba. Có sự bình tĩnh thì chuyện gì cũng có thể giải quyết. Nếu em chưa có khả năng kiểm soát được cảm xúc của mình mỗi khi chạm vào những gì không hay không đẹp của ba hay của bà nội, thì em vẫn nên chăm sóc cho cảm xúc của mình trước, đừng để mẹ em lại gánh thêm lo lắng vì em.
2 notes · View notes
chandoannghiem · 8 months
Text
Chỉ cần làm tốt bản thân mình trước
Hỏi: Con không có sự kết nối với mẹ của mình ạ. Con có một người em trai và con thật sự là một người rất yêu thương thành viên trong gia đình. 
Con lúc còn đi học là một đứa ngỗ nghịch và làm khổ ba mẹ nhiều, và con đã sống trong sự hối hận rất nhiều. Người ta thường nói “mẹ và con gái hay có sự chia sẻ cũng như thân thiết” nhưng con với mẹ con thì ngược lại. Con biết một phần cũng là lỗi của con, nhưng con đã và đang chuộc lại lỗi của mình nhưng những gì con làm thì đều không được sự gần gũi với mẹ. 
Con cảm nhận được rằng mẹ yêu em hơn con nhưng con không hề ghét em trai ngược lại con thương em của mình rất nhiều. Nhưng sao mẹ lại khiến con đau lòng rất nhiều. Bao nhiêu việc con làm và sự thay đổi của con đối với mẹ nó không có ý nghĩa gì cả. 
Lúc trước con hay nói lại hoặc giận mẹ không nói chuyện nhưng từ lúc con biết đến sự tu tập, biết đến thấy Thích Nhất Hạnh thì con đã nghe các bài giảng về sự quán chiếu và sự tu tập về cơn giận bằng hơi thở, con đã khắc phục được rất nhiều.
Nhưng sư cô ơi! Con vẫn là chúng sanh con vẫn còn sự tham sân si, khi con giận khi con bực tức thì con đã không kiềm chế được những lời nói và đổ cơn giận lên những người xung quanh. Và khi vào phòng đóng cửa lại và hơi thở thì con biết rằng mình đã sai, mình đã không đúng. Con ân hận và biết lỗi rất nhiều. Nhưng con biết làm sao để cho mẹ con đối xử công bằng sự yêu thương giữa con và em con đây ạ?  Con chỉ muốn một lần, mẹ nhẹ nhàng và nói lời trìu mến với con như với em con đây ạ! Con đã khóc rất nhiều. 
Con cảm ơn các sư thầy, sư cô đã đọc dòng tâm sự của con.
Đáp: Nếu em thật sự “chỉ muốn một lần được mẹ nhẹ nhàng và nói lời trìu mến” thì hãy kiên nhẫn chờ đợi mà không nhất thiết thúc ép mẹ phải có hành động, nói năng đối xử tốt với em phải là lần này, ở thời điểm này. Tuy rằng em có cố gắng thay đổi, nhưng tất cả những gì em làm luôn đi kèm một sự khao khát đền đáp từ mẹ phải thể hiện ngay lúc đó em mới vừa lòng. Em có biết ước muốn này của em khiến người khác cảm nhận sự thay đổi của em không phải là một sự bù đắp những sai lầm của em mà là một sự trao đổi có toan tính hay không? Do vì đây là một sự trao đổi nên khi không nhận lại được những gì mong muốn em mới không kiềm chế được bản thân và đổ cơn giận lên những người xung quanh. Sư cô nghĩ mẹ của em có thể nghĩ như vậy nên vẫn chưa thể tha thứ cho em. 
Một người thật sự muốn làm tốt hơn để bù đắp cho sai lầm trước đây thì chỉ nghĩ làm sao cho người kia có thể bớt buồn, bớt giận, bớt xa lánh mình mà không dám đòi hỏi nhiều hơn nữa. Bởi vì, một người từng buồn giận mình, xa lánh mình mà nay đã bớt buồn, bớt giận, bớt xa lánh thì còn gì vui bằng, làm sao dám đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Nếu người đó có thể một lần nữa thương mình, dịu dàng với mình đó là món quà quý giá đối với mình. Đối với một người đã từng xa lánh mình lại lần nữa tiếp cận mình và không còn xa lánh mình nữa phải là một sự tự nguyện của người đó xuất phát từ lòng thương của họ vì được chạm bởi sự chân thành một lòng thay đổi của mình. Nghĩa là, muốn mẹ em thay đổi cách đối xử với em chỉ có một khả năng là em phải chạm được vào trái tim mẹ khiến mẹ thay đổi nhận thức đối với em thì may ra em sẽ tiếp nhận được tình thương của mẹ. Em có hiểu mẹ muốn gì từ em không? Em có làm được những gì mẹ trông chờ không? Nếu những thay đổi của em là từ suy nghĩ của em cho rằng nên thay đổi như vậy mà không phải là suy nghĩ của mẹ thì dù em có thay đổi như thế nào đi nữa thì đối với mẹ: em cũng vẫn là em, em không hề thay đổi gì cả. Và như vậy, mẹ làm sao thay đổi vì em?
Nếu em muốn cải thiện quan hệ tốt với mẹ, trước hết em chỉ cần làm tốt bổn phận làm con, làm chị là đủ, và tuyệt đối không nên chờ đợi ở thái độ của mẹ đối với mình thế nào mà chỉ cần làm tốt bản thân mình trước. Phần của mẹ đối với em, em chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi thôi, đừng mang tâm trạng trông ngóng, đòi hỏi gì từ mẹ cả. Hãy làm tốt phần của mình, sống cho vui vẻ mới có đủ sức mạnh đi tiếp. Trong quan hệ giữa người và người, không ai có thể ép buộc ai vì ai cả (cho dù là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng vậy, cũng không thể ép buộc) mà phải là một sự tự nguyện đơn phương. Nếu nội tâm của người tự nguyện lớn đủ để lay động trái tim của người còn lại thì quan hệ sẽ có thay đổi, có tiến triển tốt, còn không thì phải cố gắng nhiều hơn nữa mà không nên trách móc vì sao chưa được hồi đáp.
0 notes
chandoannghiem · 8 months
Text
Thương mẹ là phải hành động để biểu đạt
Hỏi: Thưa sư cô. Con có chuyện này khiến con bận lòng rất nhiều. Bố con mất đã hơn 10 năm. Ông bà nội ở với mẹ con từ đó đến nay. Ông bà giờ đã già yếu, bệnh tật. Mẹ con là con dâu nhưng phải gánh vác chăm sóc ông bà. Các chú con đều không ở gần. Mẹ con thường xuyên stress, suy nghĩ tiêu cực vì ở với người già rất vất vả, lại không có người đỡ đần. Những lúc quá mệt mỏi mẹ con có suy nghĩ so sánh con đẻ, con dâu, có những lời nói không dễ thương với ông bà. Con rất hiểu cho tâm lý của mẹ. Con cũng rất thương ông bà, thương mẹ con nhưng con không biết làm cách nào để giúp mẹ con cả. Con sống xa nhà nên không thường xuyên có mặt ở nhà được. Con chỉ muốn ông bà con không bị khổ tâm những ngày cuối đời. Con cũng mong mẹ con nhẹ lòng mà không biết phải làm sao. 
Đáp: Không biết gia đình em và các cô chú có đủ điều kiện để cùng chung góp tiền lại để trả lương cho một người giúp việc để giúp mẹ em đỡ đần việc nhà lẫn chăm sóc ông bà nội em không? Sư cô nghĩ chỉ có cách này mới đỡ gánh nặng cho mẹ em thôi. Thương mẹ là phải hành động để biểu đạt vì đó là thứ mà mẹ em đang cần. Một người làm việc quá sức lại không có ai phụ giúp rất dễ sinh bực bội. Đó là chuyện thường tình. Em chưa trải qua gánh nặng tâm lý lẫn sức lực ngày ngày như mẹ nên khó hiểu mẹ vì sao như vậy. Sư cô nghĩ, mỗi khi có dịp về gặp mẹ, em nên cùng mẹ chăm sóc ông bà và chăm sóc mẹ em nữa. Cái mẹ em đang trông chờ là một sự chia sẻ gánh vác trên vai của bà. Nếu em không có khả năng làm được vai trò cùng mẹ gánh vác thì không nên nói gì cả, nếu không, chỉ làm mẹ em khổ và tức giận thêm thôi. 
Vậy nên, cách duy nhất giúp mẹ là em nên lên tiếng gợi ý với các cô chú cùng chung gánh vác, chia sẻ gánh nặng với mẹ bằng cách gom góp chung tiền đủ để trả lương hằng tháng khi mướn người giúp việc phụ giúp mẹ. Chỉ có cách này mới khiến mẹ em giảm stress và bớt trách móc. Hy vọng, em ăn nói đủ khéo léo để khiến các cô chú của em để tâm hơn đến mẹ đẻ và chị dâu của họ và đồng ý chung tay góp vốn để làm những việc đáng lẽ ra họ phải có trách nhiệm báo hiếu cho mẹ của họ, chứ không phải để cho chị dâu mình đảm nhiệm trọn vẹn vai trò làm con thay mình.
0 notes
chandoannghiem · 8 months
Text
Quá khứ có thể sai lầm nhưng không có nghĩa là không thay đổi được trong hiện tại và tương lai
Hỏi: Kính Bạch Đức Thế Tôn, kính thưa sư cô, con đang sống trong sự ám ảnh và dày vò của tâm trí con. 
Con đã được đến Vườn Ươm và cũng thực tập một số Pháp của Làng nhưng sự bạo động con sắp hỏi đây con không thể tự dập tắt được. Mong sư cô thông cảm vì câu hỏi hơi dài, con không thể tóm tắt ngắn hơn ạ.
10 năm trước, vì cuộc sống khó khăn con đã làm công việc phạm tội tà dâm. Lúc ấy con là du học sinh, con không thể có được công việc của người bản xứ, trong khi con phải tự lo tiền học và sinh hoạt của con bên xứ người. Công việc đó kéo dài khoảng 3 năm. Lúc đó con không cảm thấy sự nghiêm trọng của công việc ấy, hơn nữa thời điểm đó nó còn giúp con duy trì cuộc sống khó khăn ở xứ người, đôi lúc còn có thể giúp đỡ gia đình con ở Việt Nam. 
Sau đó con kết hôn thì không làm công việc ấy nữa. Con và chồng con lúc ấy quen nhau thật, nhưng thật ra đăng ký kết hôn là vì bạn ấy muốn giúp đỡ con có giấy tờ hợp pháp. Hôn nhân của tụi con kéo dài hơn 10 năm, trong thời gian ấy, cũng có nhiều lần con suy nghĩ lại quyết định ở bên nhau, nhưng con nghĩ đó là do giấy tờ con chưa hoàn tất nên còn vấn vương ở lại. Đến năm 2022, vì những trục trặc trong hôn nhân, tụi con quyết định chia tay. Con vì buồn chán nên đã đi làm lại công việc 10 năm trước. Con làm được 2 tháng thì gặp được 1 người con cảm thấy mến là khách hàng của con; người này hơn con đến 22 tuổi, chưa bao giờ kết hôn hay có con. Sau hơn 1 tháng tìm hiểu thì tụi con đã đến với nhau. Mặc dù biết là gặp nhau trong tình huống tội lỗi, nhưng lúc đó con không nghi ngờ hay đặt những câu hỏi nếu người ấy còn đi đến những tụ điểm đó. Con sau đó cũng không làm nữa, và mong kết nối với người bạn trai mới này. Sau được 1 tháng con phát hiện người ấy vẫn còn liên hệ và đi đến nơi để mua tình, con rất đau khổ, nên đã quyết định chia tay. Nhưng sau 1 thời gian ngắn con đã quay lại vì người ấy rất hối hận và giải thích với con là người ấy đã độc thân trong thời gian rất dài, trong những thời gian rảnh rỗi lúc Covid, người ấy đã được giới thiệu đến những tụ điểm ấy và đã trở nên 1 thói quen trong cả 2,3 năm. Nên lúc quen con, mặc dù rất yêu và muốn xây dựng mối quan hệ với con, người ấy chưa kịp bỏ đi thói quen này. Cho con xin nói thêm là từ lúc con biết người này đến khi quen là 1 tháng, khi con phát hiện người ấy vẫn giấu con là hơn 2 tháng. Từ lúc đó về sau, người ấy đã tỏ ý hối hận, xoá đi hết những gì có liên quan đến quá khứ của người ấy, và muốn xây dựng tương lai với con. Ngoài quá khứ đó, người ấy là 1 người đàn ông tốt rất thương và chăm lo cho con. Bây giờ đã hơn 1 năm quen nhau, nhưng con vẫn còn ám ảnh chuyện quá khứ khi người ấy mắc lỗi với con. Vì những chỗ tương tự chỗ người ấy đi lúc đó có ở ngoài đường rất nhiều, mỗi lần đi ngang qua con lại bị lay động. Rồi tâm con bạo động so sánh mình với những người người ấy gặp ở nơi đó. Mặc dù người ấy đã cố gắng rất nhiều và con cũng thấy được sự cố gắng ấy nhưng con vẫn mang nỗi đau bị phản bội. Con suy nghĩ đó là do nghiệp lực của con đã gây ra trong thời gian con làm công việc tội lỗi đó. Con mới bắt đầu thực hành sám pháp địa xúc, mong tâm trí con được thanh thản hơn, và chính con tha thứ cho con. Con mong quý sư cô giúp con soi sáng, giúp con hiểu hơn về vấn đề con đang gặp phải, và nên hay không con ở lại với người ấy.
Đáp: Mấu chốt của vấn đề khiến em đau khổ là vì em cho rằng người đó phản bội em vì vẫn còn qua lại với các cô gái khác. Khi đọc thư em viết, sư cô không nghĩ rằng người đó phản bội em mà người đó đang bị lôi cuốn bởi thói quen ham muốn cao do quá khứ đã từng sống như vậy. 
Quan niệm về phản bội của sư cô có chút khác em. Đối với sư cô, người phản bội là người sống thiếu thành thật với người khác. Người bạn trai này của em có đủ thành thật với em không? Nếu người bạn trai này có đủ thành thật với em thì sư cô nghĩ em có thể tiếp tục sống với họ và giúp đỡ họ đi ra được thói quen của quá khứ. Thói quen của quá khứ có thể sai lầm nhưng không có nghĩa là không thay đổi được trong hiện tại và tương lai. Có những người có quá khứ sai lầm, họ muốn thay đổi lối sống đó nhưng một mình đi sẽ rất khó khăn, vậy nên họ rất cần có người hiểu và yểm trợ họ để họ vực dậy niềm tin mới có đủ sức mạnh mà thay đổi được quá khứ. Sư cô nghĩ bạn trai em cũng cần có một người như vậy để yểm trợ. Vậy nên, nếu em còn thương người này thì hãy có mặt bên cạnh để giúp bạn trai em đi ra khỏi lối sống sai lầm này. Nếu em cảm thấy kh�� chung đụng với người bạn trai này vì cảm thấy họ không ‘sạch sẽ’ khi còn qua lại với người khác thì em đừng cho bạn trai tiếp cận thân mật cho đến khi người này vứt bỏ được thói quen sống cũ. Hãy làm bạn với người bạn trai này ở thời điểm này chớ đừng vội vàng buông tay họ. Hai người cần phải thành thật ngồi lại nói ra những gì cả hai suy nghĩ nếu cả hai thật sự muốn xây dựng một cuộc sống gia đình lâu dài. Chỉ có sống thành thật với nhau, cùng yểm trợ nhau những lúc gian truân mới có thể đi qua những chặng đường khó khăn của cuộc đời em à.
Sư cô nghĩ với quá khứ của em cũng sẽ rất khó cho em tìm được một người bạn trai không khiến em mặc cảm khi nghĩ về quá khứ của bản thân. Con người mà, lúc nào sống cũng luôn muốn so sánh mình với người khác. Lòng rất khó lặng yên là vì vậy. Vậy nên hãy cho nhau cơ hội cũng là cho mình cơ hội sống thật hạnh phúc về sau.
Nhưng nếu tình thương của em không đủ lớn để chấp nhận chờ đợi, sức chịu đựng không đủ bền cũng khó kiên trì theo thời gian, em cũng không cần phải gắng gượng để khổ đau chồng chất thêm, vậy chi bằng cởi bỏ trói buộc để cả hai được tự do. 
Em hãy nhìn lại bản thân rồi chọn cho mình một giải pháp tốt đẹp nhé. Sư cô góp ý với em chừng đó thôi. Hy vọng em có giải pháp tuyệt vời cho cuộc sống của mình sau vài gợi ý của sư cô. Chúc em may mắn.
6 notes · View notes
chandoannghiem · 9 months
Text
Tính nóng nảy chính là một quả bom hẹn giờ
Hỏi: Thưa sư cô, nếu có một người tấn công mình bằng những lời lẽ chỉ trích thì con nên làm thế nào để giữ bình tĩnh. Con đã có một trải nghiệm mà con thấy mình bị cuốn theo những lời chỉ trích đó dẫn đến nóng nảy và xung đột. Sau sự việc con nhìn lại chuyện không có gì to tát mà con lại mất bình tĩnh đến vậy. Sư cô giúp con với ạ.
Đáp: Nếu em có khả năng đứng yên (hoặc ngồi yên) trong tư thế thư giãn thân thể và giữ vững những hơi thở vào ra của chính mình, đồng thời quan sát khuôn mặt của người chỉ trích mà không trốn tránh, em sẽ có một trải nghiệm khác khi em không bị cuốn vào những lời chỉ trích của họ. Trải nghiệm đó là gì?
Em sẽ nhận ra người chỉ trích em đang tự làm xấu bản thân họ với những lời lẽ không dễ thương. Em sẽ nhận ra trên khuôn mặt họ biểu lộ dấu vết khổ đau khi phải dùng những lời nói mà bản thân họ cũng khó chấp nhận. Em sẽ nhận ra đôi mắt họ chỉ chứa thù hận, ghét bỏ, không có dấu vết yêu thương, v.v… Càng quan sát em sẽ càng thấy rõ họ đang đánh mất dần giá trị của bản thân bằng những lời lẽ, ánh mắt, kể cả hành vi cử chỉ không dễ thương mà họ đang vung vảy ra ngoài. Đó là một sự bùng nổ, nhưng họ lại là nạn nhân chính trong ‘vụ nổ’ đó. Có thể, những mảnh bị vung vảy ra ngoài khiến em cũng gánh một phần thương tổn, nhưng vết thương này chỉ nặng hơn khi bị ‘nhiễm trùng’ nếu em không biết tự chăm sóc. So sánh mức độ thương tổn, người đứng ra chỉ trích người khác sẽ gánh thương tổn lớn hơn nhiều. Chỉ cần hiểu được điều này, nhận ra được sự tác hại của đôi bên, em nên học tha thứ thay vì bị cuốn vào trận xung đột. 
Chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt nếu cả hai bên cứ mãi xung đột. Trong trận chiến giữa con người với con người, tính nóng nảy chính là một quả bom không hẹn giờ. Em phải luôn nhớ rõ, tính nóng nảy chỉ gây thiệt hại mà không giúp ích gì cả. Nếu em có được hiểu biết này và luôn nhớ kỹ, em có thể ngăn chặn được trái bom trong em phát nổ. Nếu em tu tập giỏi hơn, hãy suy nghĩ tới hạnh phúc và bình an cho bản thân nhiều hơn để có thể tháo gỡ quả bom đó ra khỏi người em.
Vì vậy, tư duy theo chiều hướng hoá giải và luyện tập các thói quen tốt trong cách nói năng và hành xử sẽ giúp em hoá giải được nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, qua đó sẽ không còn người chỉ trích em nữa.
1 note · View note
chandoannghiem · 9 months
Text
Nên nương tựa vào giới luật và pháp của Bụt mà đừng nương tựa vào ai khác
Hỏi: Con là một phật tử đã quy y tam bảo theo Mật Tông kim cương thừa, thật sự trước khi được quy y con cũng chưa hiểu gì về Mật Tông và trước khi quy y con cũng chưa được khai thị về 5 giới phật tử không được phạm vào. Cho đến nay con theo con đường đạo cũng đã gần 3 năm nhưng trong con luôn có các câu hỏi, những thắc mắc mà con khó nói với thầy của con vì con cảm thấy khó kết nối được với thầy.
- Gần đây con mới nhận ra thầy của con là một vị thầy pháp (người đi hay đi cúng – lễ cho mọi người) và tu tập không miên mật-ví dụ: thầy của con vẫn ăn mặn (việc này con đã biết và cũng không thắc mắc gì) nhưng gần đây con phát hiện ra thầy của con còn không miên mật về vấn đề đụng chạm thân thể với người khác giới (như thầy giả bộ cầm tay bắt hay hay muốn đụng lên người nữa giới rồi nói để thầy xem cho…, trước đây thầy của con đã có gia đình nhưng theo con được biết thì thầy vẫn kết nối với vợ của thầy (ví dụ như dẫn vợ thầy đi spa…) Và ở đạo tràng (1 căn chung cư) nơi tụi con hay lui tới cúng lễ mỗi khi có dịp ở đó thầy con có sống chung trong căn chung cư đó cùng 2 đệ tử nữa là nữ giới.
Con cũng thấy thắc mắc về việc này nhưng con không dám góp ý vì con thấy thường các thầy hay các sư cô tu học và đã quy y, xuất gia thì sẽ sinh hoạt riêng, con có hỏi thì thầy con nói ở chung vậy cũng không sao.
- Bình thường vào các tối thứ 7, chủ nhật thầy con có giảng pháp nhưng pháp của thầy con giảng rất khó hiểu và con cũng thấy các pháp đó rất cao siêu, giống như các kiến thức đi dành cho các bậc thầy chứ không phải dành cho những người muốn tu tại gia như con. Bản thân con cũng thỉnh thoảng có nghe pháp của Sư ông làng Mai qua mạng xã hội nhưng con cảm thấy pháp đó rất gần gũi và dễ hiểu.
- Thêm một điều nữa con nhận thấy ở thầy con đó là không hiểu sao thầy con đã tu học nhưng tính sân si trong thầy con vẫn còn. Thầy con thường hay nổi nóng về những điều không đúng theo ý thầy và hay dùng lời lẽ chê bai các đệ tử khi không hiểu hoặc khi các đệ tử có phần không được bằng thầy.
- Mỗi lần con mời thầy về cúng cho nhà con thì con sẽ cúng dường cho thầy một số tiền (cái này thì tùy theo tâm và kinh tế của con) nhưng nếu khi con không có tiền hoặc chưa gửi tiền cúng dường thì thầy con sẽ nhắc khéo hoặc nói đệ tử khác của thầy nhắc con gửi tiền cúng dường cho thầy. Con thấy thầy con vẫn còn nặng về vật chất nhiều.
- Thầy con cũng giúp con nhiều việc khi con gặp khó khăn nhưng qua những sự việc trên con thấy rất không hài lòng về những việc làm của thầy con và con đang có rất nhiều băn khoăn, bản thân con nghĩ mình chưa tìm đúng vị minh sư để dẫn dắt con trên con đường tu học đạo.
1- Giờ con nghĩ nếu con không theo thầy con nữa không biết có được không? 
2- Nếu giờ con bỏ đi ngay khi nhận ra những điều trên thì con có bị phạm vào tội bất kính với thầy của con không ạ? Và con đã quy y ở đó giờ con muốn tìm vị minh sư khác và quy y lại thì có được không? Con có thể có 2 pháp danh phải không ạ? Con cũng nghe nói nếu đã tu theo Mật tông thì không nên bỏ ngang, như vậy sẽ không tốt.
Trên đây là câu chuyện của con, con chưa biết tâm sự cùng ai để giải đáp được các thắc mắc của mình nên con viết ra những điều trên đây gửi tới quý thầy/quý sư cô làng Mai có thể giải đáp giúp con.
Con rất kính trọng quý thầy/quý sư cô hiện đang tu tập tại làng Mai ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới. Rất mong một ngày con hữu duyên được đến với làng Mai để được an lạc thân tâm và học hỏi thật nhiều điều.
Con xin chân thành cảm ơn quý thầy/ quý sư cô đã đọc câu chuyện của con, con rất mong nhận được hồi đáp sớm.
Nguyện đem niệm lành cho tất cả.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Đáp: Căn cứ vào những dòng chữ em kể về thầy của em, sư cô thấy em nên rời bỏ vị thầy này của em đi. Em chỉ cần nhớ tới đức Phật, một người khi đi tìm con đường giải thoát, giác ngộ, kể cả vợ đẹp, dàn cung nữ mỹ lệ và ngôi báu trị vì thiên hạ mà còn buông bỏ; sau khi chứng ngộ và có đệ tử, đức Phật còn chế giới cấm sắc dục. Là con của Phật, đi trên con đường của Phật, những gì thầy em đang làm đều đang đi ngược với những gì đức Phật đã làm đã dạy. Rời bỏ vị thầy không chân chính trên đường đạo chứ không phải rời bỏ con đường chân chính, đó là ngộ mà không phải mê, không phải tội. Biết sai mà vẫn cố chấp theo đó mới là mê, là vô minh, là tạo ác nghiệp, là tội chồng thêm tội.
Pháp danh cũng chỉ là cái tên, em có bao nhiêu tên mà chả được. Người Phật tử Trung quốc khi muốn gieo duyên với các bậc thầy quý kính, họ đều sẽ thọ 5 giới với vị đó để có pháp danh mà vị thầy tôn quý tặng cho họ, cho nên họ có rất nhiều pháp danh. Vì có nhiều pháp danh, cái tên được dùng sẽ là cái tên họ chọn của vị thầy đáng tôn kính nhất trong lòng họ. 
Quy y nghĩa là trở về để nương tựa. Trở về đâu? Trở về con đường chân chính của bát chánh đạo. Nếu một vị thầy không đi đúng con đường của bát chánh đạo thì làm sao có thể dẫn dắt cho người Phật tử đi đúng được. Chẳng hạn, thầy không có khả năng kiểm soát giận dữ của bản thân thì làm sao giúp đệ tử thoát tâm sân? Bản thân thầy còn không biết cách “trở về” thì làm sao chỉ dẫn đệ tử của mình “trở về”? Nếu bản thân thầy còn không phân biệt rõ đâu là hành động chân chánh (chánh nghiệp) đâu là hành động lệch lạc (tà nghiệp), tức là thầy không có chánh kiến, chánh tư duy hoặc nói: thầy đang có tà kiến, tà tư duy. 
Đức Phật có dạy, hãy tự thắp đuốc mà đi. Cho nên, em có con đường chân chính rồi thì em nên tự đi, không nhất thiết cần có thầy bên cạnh. Hơn nữa, trong Kinh Di Giáo, đức Phật cũng dạy nên nương tựa vào giới luật và pháp của Bụt mà đừng nương tựa vào ai khác, cho nên sẽ không có tội lỗi gì cả khi em đi bỏ thầy, nhất là một ông thầy không chân chính. 
Đức Phật cũng nói, nếu khổ đau có 84 ngàn kiểu thì sẽ có 84 ngàn cánh cửa để thoát ra, thành ra mới có nhiều tông phái Phật giáo như hiện nay. Nói như vậy là sư cô muốn em hiểu, em tu theo tông phái nào cũng được: Mật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Duy thức tông, Nam tông, Bắc tông, v.v... Mỗi tông phái áp dụng triệt để giáo lý mà họ tin tưởng nhất từ lời Phật dạy. Cho nên, dù em bỏ ngang Mật tông chuyển sang tông phái nào thì em cũng là con Phật, đi trên con đường chân chính của Phật. Vấn đề vẫn là đi trên con đường đó, nhưng ở một khúc quanh, em chọn một ngã rẽ khác còn tốt hơn là em mãi loanh quanh ở một chỗ. 
Sư cô hy vọng với lời chia sẻ này, em sẽ biết chọn cho mình một hướng đi đúng với bát chánh đạo, với lời Bụt dạy.
0 notes
chandoannghiem · 9 months
Text
Đừng vì một cái cây mà xao lãng cả một cánh đồng yêu thương
Hỏi: Thưa Sư cô, con có một vướng mắc trong lòng như sau: Con chia tay bạn trai cũ đã gần 3 năm nhưng từ đó tới nay con không có tình cảm với bất kỳ người nào. Con thấy cảm xúc yêu đương của con như bị khô héo. Nhiều lúc con nghĩ liệu mình còn có thể yêu thương ai đó không nữa và rồi mình sẽ cô đơn như thế này mãi sao? Con xin Sư cô cho con một lời khuyên. Con cảm ơn sư cô nhiều ạ!
Đáp: Tâm lý học Phật giáo ví tâm mình như một mảnh đất. Nếu không biết chăm sóc mảnh đất tâm của mình mà để cho nó trở nên cằn cỗi, nứt nẻ (chỉ vì một lần thất bại trong tình yêu) thì dù có gieo hạt giống nào xuống cũng không thể nảy mầm được. Vấn đề không phải là mảnh đất không có khả năng cho ra vườn hoa xinh đẹp, cây cối xanh tươi… mà là do người chăm sóc mảnh đất đó đã lơ là, bỏ hoang nó. Tâm thương yêu của chúng ta cũng vậy, cũng cần được chăm sóc, quan tâm. 
Chia tay tình cũ có thể đã khiến em (người chăm sóc mảnh đất tâm) xao lãng đến chăm sóc bản thân (mảnh đất tâm), không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, đánh mất niềm tin và hy vọng (khiến mảnh đất tâm khô héo). 
Hạnh phúc là đoá hoa chỉ nở trên mảnh đất tràn ngập yêu thương và hy vọng. Em đừng vì một cái cây không thể cho ra đoá hoa hạnh phúc mà xao lãng và phí phạm cả một cánh đồng yêu thương trong tâm mình. Có thể vì yêu thích một cái cây em đã quên đi trên cánh đồng yêu thương của em còn nhiều loại cây khác nữa. Đừng vì thất bại với một cây mà bỏ cả khu vườn cây. Chỉ cần em học chăm sóc mảnh đất yêu thương trong em cho thật tốt và rút tỉa những kinh nghiệm trong lần thất bại trước để tránh đi vào lối mòn cũ, chắc chắn với mảnh đất mầu mỡ ngập yêu thương sẽ xuất hiện một cái cây cho ra hoa hạnh phúc phù hợp với môi trường đất tâm đó của em. 
Người thành công không phải vì không có thất bại mà là không coi trọng thất bại, họ vẫn đi tiếp, họ vẫn không đánh mất niềm tin bản thân, họ vẫn hy vọng vào cuộc sống. Người biết sử dụng thất bại như một vũ khí là người học được sự khiêm tốn và biết thay đổi chính mình để trở nên chín chắn và trưởng thành hơn trong nhận thức. Vì vậy, em không nên chán nản mà hãy cảm thấy may mắn khi mình thất bại lần đầu để có những trải nghiệm thật mới mẻ trong cuộc sống khi tuổi đời còn rất trẻ (nghĩa là còn nhiều cơ hội đi tới thành công).
Hãy sống mạnh mẻ, vui vẻ và đầy tự tin để mảnh đất yêu thương trong em lần nữa được hồi sinh thì chắc chắn điều mầu nhiệm sẽ xuất hiện trên khu vườn mầu mỡ đó.
1 note · View note
chandoannghiem · 9 months
Text
Đọc kinh là để tưới tẩm các hạt giống trong tâm
Hỏi: Con kính chào Sư Cô! 
Sư cô ơi! Cuốn “Nhật Tụng Thiền Môn “ đối với người tại gia thì nên áp dụng thực tập như thế nào để có hiệu quả ạ? Đối với con , lần đầu được tiếp xúc với những bài kinh, bài kệ , tất nhiên là không thể hiểu được hết ý của kinh và có phần còn không hiểu . Vậy thì việc thực tập công phu sáng và tối đều đặn và lâu dài có giúp ích được cho con hay không? Hay con chỉ nên thực tập những cuốn sách thiền tập như “ An lạc từng chân bước chân” . Con đã đọc cuốn sách này và thực tập rất dễ dàng. Còn cuốn “Nhật Tụng Thiền Môn” có phần con chưa hiểu thì có giúp gì cho sự tu tập của con không ạ? Kính mong Sư Cô giải đáp ạ !
Đáp: Tụng Kinh không hiểu sẽ giống như tụng thần chú vậy. Đọc tụng kinh hay thần chú có thể giúp ta định tâm, thanh tịnh ba nghiệp, nhờ đó có thể khai sáng tuệ giác vào lúc tâm được thanh tịnh hoàn toàn. Cái hiểu khi đọc Kinh không giống như cái hiểu khi đọc các quyển sách trau dồi kiến thức. Khi trau dồi kiến thức mình cần sử dụng đầu óc để hiểu, nhưng để hiểu Kinh điển thì phải cần tới trái tim để chạm tới mà không phải cái đầu suy diễn nghĩa lý nhiệm màu. Cho nên, phần thực tập theo quyển An Lạc Từng Bước Chân là rất cần thiết nhưng để hỗ trợ cho tâm thì rất cần phần tưới tẩm các hạt giống trong tâm qua Kinh kệ. 
0 notes
chandoannghiem · 9 months
Text
Hãy chọn lựa cách sống có hạnh phúc, có yêu thương và tha thứ
Hỏi: Kính gửi Sư Cô, con đã biết và chứng kiến những hành động không hay (như lấy đồ của người khác, nói lời không thật, nói lời ganh ghét người khác…) của bà nội con, đã mấy chục năm qua con chỉ nhìn bà nội với một sự khó chịu, vì muốn tôn trọng nhưng lại thấy người đó không có điểm gì để mình tôn trọng. Con cũng có nghĩ đến những điểm tốt của bà con nhưng nó ít vô cùng... thưa Sư cô, con nên thực tập làm sao trong chuyện này ạ?
Đáp: Cô có suy nghĩ thế này, cô thực tập kính trọng một người hay tôn trọng một người không phải vì người đó phải xứng đáng để được kính trọng hay tôn trọng mà là vì cô không muốn đánh mất giá trị bản thân mà thôi, không muốn mình trở thành như họ. Cô biết rõ một điều là trong họ không bao giờ hạnh phúc thật sự có mặt. Vì không muốn giẫm lên con đường họ đã đi, cô chọn lựa sống có hạnh phúc, có yêu thương và tha thứ. Bụt có dạy, ý nghiệp dẫn đầu ba nghiệp (thân, khẩu và ý). Ý nghiệp thiện thì thân nghiệp và khẩu nghiệp đều thiện; ý nghiệp ác thì thân nghiệp và khẩu nghiệp đều ác. Vậy nên, em hãy dẫn dắt suy nghĩ của mình đi trên con đường của chân thiện mỹ nhé, đừng để mình lạc lối khi gặp phải những chướng ngại của cái thấy, nghe và biết. 
Còn đây, cô xin được trích dẫn Kinh Năm Phương Pháp Diệt Trừ Phiền Giận do ngài Xá Lợi Phất - đệ tử lớn của Bụt, được xưng tụng là người có trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Bụt - dạy các thầy 5 phương pháp quán chiếu cho 5 loại người trong xã hội để có thể tránh được phiền não. Em hãy chọn một phương pháp phù hợp với tính cách bà nội em mà quán chiếu theo cách ngài Xá Lợi Phất dạy, hy vọng có thể giúp đỡ em diệt trừ được phiền não trong lòng.
“ Đây là phương pháp thứ nhất, này các bạn. Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ có một vị khất sĩ tu theo hạnh a lan nhã, ưa mặc y phấn tảo, một hôm đi qua một đống rác bẩn có phân, nước tiểu, nước mủ và các thức dơ dáy khác, trông thấy một tấm vải còn lành lặn, vị ấy dùng tay trái cầm miếng vải lên và lấy tay phải căng nó ra. Thấy miếng vải chưa bị rách thủng mà cũng không bị phân, nước tiểu, nước mủ và các chất dơ bẩn khác dính vào, vị ấy liền xếp miếng vải lại, cất lấy, đem về nhà để giặt sạch và may chung với các tấm vải khác làm y phấn tảo. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói còn dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy, để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.
Đây là phương pháp thứ hai, này các bạn. Nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ như các thôn xóm không xa có một hồ nước sâu nhưng mặt nước lại bị rêu cỏ che lấp. Lúc bấy giờ có một người đi tới gần hồ, tự thân đang bị sự đói khát và nóng bức hành hạ. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, dùng hai cánh tay khoát rêu cỏ ra và khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước mát dưới hồ. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy mà chỉ nên chú ý tới hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.
Đây là phương pháp thứ ba, này các bạn. Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ các phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ có một người đi tới một ngã tư kia, kiệt sức, khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn. Tại ngã tư ấy có một vết chân trâu, trong ấy còn đọng lại một ít nước mưa. Vị này nghĩ, ‘Mặc dù nước trong lỗ chân trâu ở ngã tư đường này rất ít, nhưng nếu ta dùng tay hoặc lá cây để lấy thì ta sẽ có thể quấy cho nó đục ngầu lên và sẽ không uống được, do đó sẽ không thể trừ bỏ được sự khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn trong ta. Vậy ta hãy quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống nước trực tiếp’. Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát đất, đưa miệng vào vết chân trâu mà uống. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy mà hãy nên chú ý tới cái chút ít sự dễ thương còn có trong tâm người ấy thôi để có thể dứt trừ được sự phiền giận của mình. Người có trí nên thực tập như vậy.
Đây là phương pháp thứ tư, này các bạn. Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ như có một kẻ đi xa, được nửa con đường dài thì bị bệnh. Khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa, kẻ ấy đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu kẻ kia tới được thôn ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu toàn cả về thuốc thang lẫn thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà người kia thoát nạn. Sở dĩ kẻ kia thoát nạn là nhờ ở lòng thương xót và lân mẫn của người này. Cũng như thế, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này, “Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hoá và đi về các nẻo đường hạnh phúc.” Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được sự phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia. Người có trí phải nên thực tập như thế.
Đây là phương pháp thứ năm, này các bạn. Nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ cách ngoài thôn xóm không xa có một cái hồ thật đẹp, nước hồ đã trong lại ngọt, đáy hồ sâu mà bằng phẳng, bờ hồ đầy đặn, cỏ xanh mọc sát quanh hồ, bốn phía cây cối xanh tươi cho nhiều bóng mát. Có một kẻ kia đi tới bên hồ, khát nước, phiền muộn, nóng bức, mồ hôi nhễ nhại. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước; tất cả những chuyện nóng bức, khát nước và phiền muộn đồng thời tiêu tán hết. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm địa cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ.”
Đọc Kinh này xong, em có suy nghĩ gì? 
Cô không biết lời chia sẻ của mình và bài Kinh này có giúp được em phần nào không? 
3 notes · View notes